Thường trực Tỉnh ủy dự Hội thảo phát triển địa phương

07:10, 13/10/2021

(LĐ online) - Chiều 13/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo...

(LĐ online) - Chiều 13/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo phát triển địa phương với chủ đề “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”. 
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tham dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tham dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu tại văn phòng Tỉnh/Thành ủy các tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tham dự và chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự Hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.
 
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo là dịp để các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới”. Các giải pháp đề ra cần bảo đảm thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như: Bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp. 
 
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, đối với các địa phương có thể phải làm hai việc: Ưu tiên cân đối ngân sách địa phương đối ứng với ngân sách trung ương dành cho các gói hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường áp dụng công nghệ số để nâng cao tính minh bạch, tránh hỗ trợ trùng lặp, cắt giảm chi phí giao dịch, dễ dàng thực hiện hậu kiểm…
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tiếp theo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo phục hồi kinh tế, thích ứng với đại dịch 2021 - 2023. Theo đó, với quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, Bộ trưởng đề nghị cần nhanh chóng khắc phục khó khăn của nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực. Trong đó, có đầu tư công, phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng bao gồm cả các động lực tăng trưởng mới…
 
Bộ trưởng cũng đưa ra khung giải pháp chủ yếu gồm 6 chương trình thành phần và 2 nhóm giải pháp quản trị rủi ro, thông tin, tuyên truyền. 6 chương trình thành phần gồm: Chương trình tổng thể về phòng chống Covid -19 và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế; Chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; Chương trình phục hồi doanh nghiệp; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư; Chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; Chương trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Dự kiến nguồn lực thực hiện từ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ ngoại hối, nguồn vốn của doanh nghiệp, PPP, nguồn huy động khác… Về Ngân sách nhà nước, tăng cường tiết kiệm chi, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi, phát hành công trái Quốc gia, trái phiếu Chính phủ, các nguồn lực do Ngân hàng Nhà nước quản lý.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận, đánh giá các chính sách và kinh nghiệm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các quốc gia, đề xuất các khuyến nghị, các yêu cầu đối với Việt Nam để thích nghi với các trật tự, cấu trúc mới của kinh tế thế giới, khả năng tham gia của Việt Nam vào các trật tự, cấu trúc này. Các ý kiến cũng đánh giá các cơ hội, thách thức với Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế. Khuyến nghị về nguyên tắc, yêu cầu, thời gian, phạm vi, quy mô, đối tượng và hình thức hỗ trợ, đánh giá mối quan hệ của chương trình phục hồi với các chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ những việc cần thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội…
 
Phát biểu bế mạc và tổng kết tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu. Tiếp cận vấn đề từ đánh giá những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với mỗi quốc gia, với quốc tế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng hiện nay vấn đề thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc đối với đất nước ta hiện nay; trong đó, phương thức đó là: 5K + vắc xin + công nghệ + ý thức của người dân + các biện pháp có thể. 
 
Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chuyển từ quản lý không Covid-19 sang quản lý rủi ro, là một trong những thích ứng; trong đó, phải tăng cường hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, hạn chế tử vong. Trong lãnh đạo phải tập trung thống nhất, trong tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp với tình hình; phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường nguồn lực thực hiện; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tập trung khôi phục sản xuất, chú trọng kết nối lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cả tinh thần và vật chất cho người dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. 
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh: Yếu tố cốt lõi để chúng ta đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh là phải dựa vào 3 trụ cột chính, đó là: Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng của Nhân dân; việc ứng dụng các biện pháp khoa học chống dịch, dự phòng bằng vắc xin và các biện pháp chữa trị cùng với thuốc.
 
DUY DANH