(LĐ online) - Những nội dung tiêu cực liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên mà các bản báo cáo về vấn đề nhân quyền của các tổ chức nước ngoài công bố gần đây là những lập luận, suy diễn thiếu khách quan...
(LĐ online) - Những nội dung tiêu cực liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên mà các bản báo cáo về vấn đề nhân quyền của các tổ chức nước ngoài công bố gần đây là những lập luận, suy diễn thiếu khách quan. Hiện đang sống, làm việc và thường xuyên tiếp xúc với đồng bào trên cao nguyên phía tây, với bài viết này, chúng tôi xác tín thực tế để minh chứng và phản biện những cáo buộc áp đặt và vô lý…
|
Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được bảo đảm về quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người |
Như một định kiến đã được lập sẵn, các báo cáo nhân quyền thường niên của một số tổ chức ít thiện chí với Việt Nam khi đề cập đến cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thường đưa ra những nhận định không đúng với thực tế. Những phán xét phiến diện và phi lý không mang lại những đóng góp giá trị để ngõ hầu giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào mà hàm chứa trong đó những yếu tố phủ định, kích động.
Mới đây nhất, báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (phát hành tháng 3/2021) và tiếp đến báo cáo thường niên 2021 của tổ chức Freedom House (FH - Nhà tự do) lại tiếp tục phản ánh theo hướng đó. Một số tổ chức quốc tế chính danh và cả các lực lượng “ăn theo” ở hải ngoại cũng “tát nước theo mưa”, hùa vào trào lưu phủ định nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dày công củng cố…
Việc bảo đảm nhân quyền là một trong những mục tiêu cơ bản của thể chế chính trị Việt Nam; qua mỗi giai đoạn lịch sử, mục tiêu đó lại được bổ sung, hoàn thiện. Trong Hiến pháp (2013), những quy định về nhân quyền được coi là điểm sáng khi hiến định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ công dân. Trong đó, với quan điểm đề cao chủ quyền Nhân dân, coi Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu. Là người Việt Nam, tất cả đều là chủ thể của những quyền và nghĩa vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định.
Thế nhưng, báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mà chúng tôi dẫn trên, đã đưa ra nhận định vô lối: “Luật nghiêm cấm phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, nhưng sự phân biệt đối xử của xã hội với người dân tộc thiểu số đã tồn tại từ lâu và tiếp tục dai dẳng…”. Báo cáo này cũng áp đặt những suy diễn mập mờ: “Nhà chức trách viện dẫn các quy định về an ninh quốc gia để bỏ tù những người dân tộc thiểu số do họ có liên hệ với các tổ chức nước ngoài mà chính phủ cho là có mục đích ly khai…”. Đây là những phán xét kỳ lạ! Công dân Việt Nam thuộc bất cứ dân tộc nào, không hề bị “phân biệt đối xử” mà chỉ được nhận những cơ hội công bằng, nếu là nhóm người yếu thế thì được nhận những nguồn lực hỗ trợ ưu đãi để xóa dần khoảng cách. Nhà nước Việt Nam lấy thượng tôn pháp luật để quản lý và điều hành xã hội, xử lý các vấn đề an ninh, trật tự là vi phạm nhân quyền (?). Các đối tượng kích động chia rẽ, gây hận thù dân tộc, làm phương hại đến chủ quyền quốc gia lại không bị pháp luật trừng trị (?). Nhân dân chính là người xây dựng bộ máy, hoàn thiện thể chế, pháp luật; đồng thời, họ cũng là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo sự công bằng và tôn trọng thông qua hệ thống các giá trị do chính họ xây nên.
Trên thế giới này, quốc gia nào cũng thực thi pháp luật, thực hiện quyền tự quyết để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, quyền không bị các thế lực bên ngoài can thiệp. Có lẽ, những người soạn thảo các bản báo cáo nhân quyền tại Anh, Mỹ, Nghị viện EU; các Nghị quyết H.Res.484, Dự luật HR 1897 ở Hạ viện Mỹ; Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRM), Tổ chức Ân xá quốc tế (Al)… cần nhận thức sâu sắc điều đó. Họ cũng cần có sự hiểu biết về nơi chốn đề cập trước khi khởi thảo những nội dung thiếu căn cứ thuyết phục.
* * *
Đã nhiều năm sống, làm việc và chứng kiến quá trình đổi thay kỳ diệu của vùng đất Tây Nguyên, ghi nhận những thành tựu trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực này, chúng tôi có đủ dữ liệu để minh chứng những điều cần khẳng định. Nhân quyền, trước hết là đảm bảo các quyền cơ bản tộc người, quyền bảo vệ văn hóa, quyền tự do tín ngưỡng, quyền sống hạnh phúc và được đầu tư phát triển. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã từng bước thực hiện các quyền thiêng liêng đó thông qua đường lối, chính sách, các dự án và thể hiện bằng công việc thường nhật của hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo, điều hành hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân đã mang lại những thành tựu to lớn.
|
Giao thông phát triển, Tây Nguyên đang đổi mới từng ngày |
Người dân tộc bản địa Tây Nguyên ngày xưa sống tăm tối giữa sự vây hãm triền miên trong lạc hậu, đói nghèo. Thời Pháp thuộc rồi đến thời Mỹ - Ngụy, đại ngàn là mảnh đất màu mỡ để bọn thực dân, đế quốc khai thác nguồn tài nguyên giàu có. Những chủ nhân của núi rừng bị biến thành thân phận nô lệ; mồ hôi, nước mắt và máu của đồng bào đã đổ xuống cho những đồn điền cao su, hồ tiêu, cà phê tốt tươi. Biết bao người thịt nát, xương tan dưới hầm mỏ hay trên những cung đường xuyên núi cao, rừng thẳm mà kẻ thù đã dùng sức đồng bào để đào, để mở phục vụ cho mục đích vơ vét của chúng. “Nếu không có người Thượng thì ai khiêng Tây đi, ai gánh đá lát đường”. Lời của một sử gia nước ngoài như vẽ lên bức tranh tả thực về thân phận của đồng bào Tây Nguyên trong những năm tháng đất nước còn chìm trong đêm đen nô lệ. Cùng với cuộc sống đói cơm, nhạt muối, đạn xới, bom cày, các tộc người thiểu số bị đối xử bất bình đẳng, khinh rẻ, kỳ thị. Kẻ thù còn sử dụng chính sách “ngu dân”, gây nghi kỵ, hận thù, kích động các dân tộc anh em chém giết lẫn nhau…
Có ánh sáng của Đảng, Tây Nguyên cùng cả nước vùng lên đánh Pháp, đuổi Mỹ thành công, đất nước thống nhất; đồng bào các dân tộc thiểu số trên đại ngàn phía tây thực sự được giải phóng, đổi đời. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực quan trọng nhằm phát triển Tây Nguyên và từng bước cải thiện cuộc sống đồng bào. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa IX), Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên” và các chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, nhận bảo vệ rừng… đã tập trung các nguồn lực đầu tư và làm thay đổi toàn diện địa bàn chiến lược này. Hiện nay, trên tổng số 7.800 thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng Tây Nguyên thì đã có tới 2.800 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu có dịp khảo sát từ triền núi Ngọc Linh phía bắc đến thung lũng sông Đồng Nai phía nam, sẽ được chứng kiến hình ảnh tươi sáng của quê hương, buôn làng và cuộc sống của đồng bào đã có những đổi thay căn bản. Để thúc đẩy sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, các địa phương đều xây dựng các chương trình cụ thể với phương châm hướng về cơ sở. Ví như tỉnh Gia Lai phân công 49 cơ quan, ban ngành cấp tỉnh phụ trách 49 xã đặc biệt khó khăn; 487 cơ quan cấp huyện, thị phụ trách 487 thôn, buôn và gần 100 doanh nghiệp trên các địa bàn kết nghĩa giúp các xã vùng sâu, vùng xa. Tỉnh này cũng điều động có thời hạn 234 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện về các xã, phường, thị trấn công tác. Từ năm 1994, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành và triển khai chỉ thị về xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới với việc tập trung đầu tư các nguồn lực cho 53 xã trọng điểm khó khăn, điều động hàng ngàn lượt cán bộ về bám cơ sở để tuyên truyền, vận động và tổ chức cuộc sống, sản xuất cho đồng bào…
Ngày xưa Tây Nguyên xa xôi, heo hút thường được ví là nơi “rừng thiêng, nước độc”; ngày nay, giao thông ở khu vực này phát triển chưa từng có với mạng lưới đường bộ gần 40 ngàn km, đường hàng không với 3 sân bay cùng 2 dự án đường sắt và các dự án đường cao tốc hiện đại đang từng bước triển khai. Giao thông thuận lợi đã làm thay đổi diện mạo các buôn làng, kết nối các chuỗi đô thị, các tỉnh trong khu vực và mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn trong nước và các nước trong khu vực. Trên vùng đất 5 tỉnh của 5 triệu người thuộc 47 dân tộc cư trú, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chiếm khoảng 34% với khoảng 1,6 triệu người, từ buôn làng đến phố thị đều mang sắc màu tươi mới, tràn đầy sức sống.
Những năm đầu sau giải phóng, nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn còn giữ tập quán du canh du cư, cuộc sống bất ổn, nghèo đói, lạc hậu và bệnh tật. Nhà nước đã sớm tổ chức cho người dân định canh định cư, ổn định cuộc sống, làm quen với sản xuất hàng hóa. Trên miền đất gian khó ngày xưa, dần xuất hiện những buôn làng giàu có, văn minh, nhiều tỉ phú người đồng bào dân tộc thiểu số; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 40 triệu đồng. Toàn vùng có 3 huyện, thị và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tây Nguyên ngày nay được biết đến là một vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với những con số ấn tượng: Gần 600 ngàn héc-ta cà phê, sản lượng bình quân 1,3 triệu tấn hằng năm; 72 ngàn héc-ta hồ tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 121 ngàn tấn; cao su, điều, rau, hoa và các loại cây ăn quả đều phát triển mạnh. Sự nghiệp xóa đói giảm nghèo được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 15% và hộ cận nghèo còn khoảng 4,5%, hàng năm giảm khoảng 3%. Số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế toàn vùng đạt 55%, xã và trạm y tế có bác sĩ đạt 88%, số bác sĩ trên một vạn dân đạt 7,42%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 72%. Quy mô và chất lượng giáo dục đã được nâng cao. Hệ thống trường dân tộc nội trú các cấp được phủ khắp địa bàn với những chính sách ưu đãi về điều kiện học tập, sinh hoạt, đời sống cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng là minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ…
(Còn tiếp)
UÔNG THÁI BIỂU