(LĐ online) - Chiều 11/11 và sáng 12/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
(LĐ online) - Chiều 11/11 và sáng 12/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
|
ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Nhóm vấn đề mà các địa biểu chất vấn gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, thế giới có khả năng sẽ phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Quá trình phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm 2021.
Bên cạnh thuận lợi, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Việc hoàn thành bao phủ vắc xin cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh; trong khi đó, thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ thường trực.
Trên cơ sở dự báo, đánh giá tình hình, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và báo cáo Quốc hội các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; trong đó, đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục tiêm chủng vắc xin cho Nhân dân. Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, các đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị Covid-19, tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh…
ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu một câu hỏi về kế hoạch phục hồi kinh tế cho cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại biểu dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia rằng, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch thì cần một gói hỗ trợ đủ lớn về tài khóa, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt tương đương với khoảng 3% đến 4% GDP. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công, tăng nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp hỗ trợ đủ lớn thì nền kinh tế sẽ chậm được phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước và kèm theo là nhiều hệ lụy tiêu cực. “Chúng ta chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều, không đủ kịp thời” – Đại biểu Hiển nêu ý kiến.
Trước đó, trong ngày 11/11, phiên chất vấn đã có 28 đại biểu chất vấn, 10 ý kiến tranh luận. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dù mới giữ cương vị đứng đầu ngành giáo dục đào tạo không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, trả lời kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên chất vấn đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh vấn đề về chất lượng, các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách để góp phần phát huy duy trì đạo đức xã hội nước ta.
Các đại biểu cũng đề cập đến công tác dạy và học trực tuyến cần phải đảm bảo thực chất và có hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa các vùng miền khác nhau. Việc giảm tải chương trình cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các khu vực, vùng miền. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh…
Trong sáng nay 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đăng đàn trong 95 phút để làm rõ một số nội dung và trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, đối ngoại, môi trường, đầu tư công...
NGUYỆT THU