(LĐ online) - Chiều 4/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Cùng chủ trì hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
(LĐ online) - Chiều 4/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Cùng chủ trì hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
|
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí K’Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Chi cục Hải quan Đà Lạt.
Theo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giai đoạn 2016 - 2021, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá nghiêm túc thực trạng việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; đề xuất đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm hạn chế, phát huy mọi nguồn lực và tạo đột phá để phát triển.
Để thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý chặt chẽ sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển.
Các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh và triển khai các cam kết quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; trình Chính phủ ban hành một số lượng lớn nghị định để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Công tác phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước cho đến nay đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính (CCHC), bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương.
Các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ cắt giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện phân cấp, phân quyền bước đầu đã gắn với đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; khắc phục được cơ bản các vấn đề giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, phân định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công và thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
|
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, có mặt bất cập. Vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực. Phân cấp, phân quyền trên một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, chưa mạnh mẽ và thiếu đồng bộ về thẩm quyền quyết định và các nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện. Việc phân cấp, phân quyền chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép... đối với các vấn đề đã phân cấp cho cấp dưới; cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện đồng bộ với yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chưa có đầy đủ chế tài đối với việc thực hiện không nghiêm các quy định theo phân cấp, phân quyền.
Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các bộ và các tỉnh, thành đã báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, định hướng thực hiện giai đoạn 2021 - 2026 và nêu các đề xuất, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Sau khi nghe nhiều ý kiến tham luận, hội nghị đã thống nhất những định hướng, phương án nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ sẽ cho rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương.
Chính phủ cũng cho sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Chính phủ cũng sớm hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các quy định phải có ý kiến thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch và xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và đã được phân cấp, phân quyền quản lý.
Với cấp địa phương, nhà nước sẽ sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị để phát triển các địa phương này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng, miền, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền.
VIẾT TRỌNG – NHẬT QUỲNH