Minh bạch từ thiện để nhiều người làm việc thiện

06:11, 04/11/2021

Các tỉnh miền Trung lại oằn mình gánh chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ. Chính quyền các địa phương đang phải vô cùng vất vả lo cứu trợ, lo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng lũ...

Các tỉnh miền Trung lại oằn mình gánh chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ. Chính quyền các địa phương đang phải vô cùng vất vả lo cứu trợ, lo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng lũ. Khó khăn chồng chất bởi hầu hết các địa phương vừa phải trải qua đợt dịch kéo dài, nguồn lực cạn kiệt; kinh tế của phần lớn gia đình đều hạn hẹp…, giờ đây lại thêm thiên tai, bão lũ nữa, lo lắng mãi không nguôi. 
 
Đây là lúc rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Thế nhưng, sau những vụ “lùm xùm”, tố cáo lẫn nhau về việc “ăn chặn” hoặc sử dụng tiền từ thiện gần đây đã khiến nhiều người muốn đứng ra kêu gọi giúp đỡ bà con vùng lũ bỗng cảm thấy dè dặt, e ngại, không dám làm. 
 
Còn nhớ, mùa lũ năm ngoái, nhiều nghệ sỹ có tên tuổi quen thuộc với công chúng đứng ra kêu gọi ủng hộ bà con vùng lũ đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, người dân. Bằng uy tín cá nhân, chỉ trong một thời gian ngắn, các nghệ sỹ đã quyên góp được vài chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ bà con. Cũng chính những nghệ sỹ về tận vùng lũ để trao quà, trao tiền cho bà con. Dư luận đã không ngớt lời tung hô, khen ngợi. Thế mà, chỉ ít lâu sau đó, đã có những lời tố cáo; có những dư luận không tốt về tính minh bạch của các chương trình từ thiện này; những ồn ào về sao kê; về việc không chuyển tiền tới đúng địa chỉ; không rõ ràng đã khiến công chúng hoài nghi, nếu không nói là mất lòng tin. Câu chuyện càng trở nên khó gỡ hơn khi chưa có sự vào cuộc làm trắng, đen rõ ràng của cơ quan chức năng. Các vụ “khẩu chiến”, tố cáo, thậm chí xúc phạm nhau trên mạng xã hội đã và đang làm xói mòn niềm tin của người dân; gây nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ tới những người đã và đang muốn làm việc tốt cho cộng đồng. Họ sợ bị mang tiếng. Ngay cả những người có tấm lòng hảo tâm nhưng không trực tiếp đi làm từ thiện được cũng trở nên e dè, không muốn bỏ tiền ra vì “không biết đâu mà đo được lòng người”. Trong khi đó, các tổ chức có chức năng, có nhiệm vụ như Ủy ban MTTQ các cấp; Hội Chữ thập đỏ; Hội từ thiện… dù có muốn cũng không đủ sức kham hết tất cả các trường hợp. Hơn lúc nào hết, vẫn cần có được những “cánh tay nối dài” từ những người có uy tín, có trách nhiệm, huy động sức mạnh của cả cộng đồng để cứu giúp những người không may gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.
 
Thế nên, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, chuyện lùm xùm từ thiện đã được đặt lên bàn nghị sự với nhiều ý kiến khá gay gắt. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, tình hình nhân đạo, từ thiện, kêu gọi vận động tài trợ trên mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, ảnh hưởng an ninh trật tự, đến thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc… Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai, từ đó có giải pháp. Đặc biệt, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, không thể để diễn ra dai dẳng mà không có câu trả lời cuối cùng.
 
Đây cũng là mong muốn của người dân. Dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách; một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; không một ai mong muốn đồng bào, đồng chí mình bị bỏ lại phía sau. Tầm lòng chân thiện trong mỗi người cũng dấu tiềm tàng, chỉ cần được khơi gợi đúng lúc là sẽ bùng cháy, sẽ tạo thành sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn. Thế nên, hãy đừng để các vụ lùm xùm từ thiện kéo dài; hãy làm rõ đúng sai, hãy minh bạch để ngày càng có nhiều người sẵn lòng làm việc thiện nhiều hơn, kịp thời cứu giúp đồng bào gặp khó khăn.
 
TRỌNG NGHĨA