Nghị quyết 128/NQ-CP phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng thời điểm

04:11, 15/11/2021

(LĐ online) - Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"...

(LĐ online) - Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết 128) là một bước tiến rất quan trọng, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đại diện WHO, cũng như Quyền Điều phối viên thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức Liên Hợp quốc đánh giá cao lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả để vừa chống dịch thành công, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; hoan nghênh Nghị quyết 128 của Chính phủ Việt Nam về phục hồi và thích ứng an toàn đối với đại dịch COVID-19…
 
Thế nhưng các thế lực thù địch thông qua một số phương tiện truyền thông thiếu thiện chí ở hải ngoại, xuyên tạc rằng việc ban hành Nghị quyết thể hiện sự “thất bại” của Việt Nam trong chống dịch COVID-19.
 
Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Thủ tướng phê bình, chấn chỉnh một số địa phương thực hiện chưa nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP. Từ việc này, các thế lực thù địch lại cố tình xuyên tạc, thổi phồng rằng ở Việt Nam xuất hiện tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Với tiêu đề: “Lãnh đạo cấp dưới không phục tùng cấp trên nói lên điều gì?” phát trên RFA đã mượn dư luận cho rằng đó là biểu hiện “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”… 
 
Đây không phải lần đầu, mà mỗi khi Việt Nam có chủ trương, chính sách gì mới, các thế lực thù địch lại lợi dụng để xuyên tạc, chống phá. Và việc họ xuyên tạc khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 cũng không ngoài mục đích chống phá, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta... 
 
Từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào hòng chống phá thành quả, nỗ lực của của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Họ lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, đời sống của một bộ phận Nhân dân khó khăn do phải cách ly, giãn cách xã hội, không có việc làm để xuyên tạc những nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế của chúng ta.
 
Họ phớt lờ sự thật rồi từ đó dựng chuyện về phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam là “đi ngược thế giới”, “coi thường tính mạng con người”, “phân biệt đối xử”; chính quyền “bất lực”; rằng các cơ quan chức năng “không có khả năng”; quân đội tham gia phòng, chống dịch là “đàn áp nhân dân”; lực lượng y tế, tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch là “xâm lược”; Quỹ vaccine phòng COVID-19 là “lừa đảo, móc tiền túi của dân”; bài bác vaccine khiến ngộ nhận bị phụ thuộc nước ngoài; coi một số người tung tin giả đã bị xử phạt là “vi phạm tự do ngôn luận”; nỗ lực của lực lượng tham gia phòng, chống dịch là “diễn để mị dân”; các gói cứu trợ an sinh xã hội do Chính phủ Việt Nam triển khai là “chỉ dành cho cán bộ, đảng viên, bỏ rơi nhân dân”. Nổi lên trong các hoạt động chống phá này là vai trò của tổ chức khủng bố “Việt Tân”, và “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS). 
 
Xin nói thêm rằng, trong những năm qua, tổ chức khủng bố “Việt Tân” vẫn liên tục có những hoạt động chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Với sự cảnh giác cao độ, lực lượng chức năng Việt Nam đã không ít lần ngăn chặn kịp thời các hành vi chống phá, đưa các đối tượng khủng bố ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn với BPSOS, với sự hậu thuẫn của một số chính khách thiếu thiện chí với Việt Nam, BPSOS đã trở thành một tổ chức phản động lưu vong với phương thức và thủ đoạn chống đối quyết liệt cả ở trong và ngoài nước, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
 
Rõ ràng, những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt này là nhằm phủ nhận những kết quả của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19, đồng thời vẽ nên một bức tranh với những gam màu tối về Việt Nam trong đại dịch, sâu xa hơn là nhằm làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.
 
Trước những âm mưu đen tối, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cùng với việc nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá… các cơ quan chức năng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần nhận diện rõ âm mưu của họ, kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
 
Có thể nói, đến hiện tại, dịch bệnh tại Việt Nam đã cơ bản bị đẩy lùi, tình hình cơ bản ổn định, các địa phương đang rất tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 128, công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. 
 
Cách đây hơn 1 tháng, Việt Nam đứng cuối Bảng Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei dành cho 121 quốc gia, vùng lãnh thổ thì đến nay chúng ta đang ở vị trí giữa bảng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, mặc dù vẫn xuất hiện ca mắc mới tại nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực, quyết tâm cao và đạt được kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống của Nhân dân, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế.
 
Bên cạnh đó, tiến độ tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 đạt kết quả khả quan. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã tiếp nhận trên 125 triệu liều vaccine phòng COVID - 19 và phân bổ 81 đợt với tổng số 112,7 triệu liều; tổ chức tiêm trên 90 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 81,2%; tiêm 2 mũi là 37,3% đối với người từ 18 tuổi trở lên; bắt đầu tổ chức triển khai tiêm vaccine cho người dân dưới 18 tuổi... Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao, từ các hoạt động ngoại giao trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cho đến quá trình vận động vaccine của các đơn vị trong nước và ngoài nước… Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã dự báo và ban hành chỉ đạo tổng thể công tác phòng chống dịch, trong đó coi chiến lược vaccine như một trong những mũi nhọn hàng đầu. 
 
Với Nghị quyết 128, sau một tháng thực hiện, được dư luận, người dân đồng tình và cho rằng đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
 
Sự thật đó là kết quả từ nỗ lực quên mình của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam và không thể phủ nhận. Kết quả của cuộc chiến phòng, chống dịch thời gian qua đã chứng minh Nhân dân và toàn xã hội đặt trọn niềm tin, tích cực ủng hộ ý chí, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Chính phủ.
 
SONG HOÀNG