Xây dựng kịch bản phòng chống dịch phù hợp với diễn biến dịch Covid-19, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân

01:12, 08/12/2021

(LĐ online) - Sáng 8/12, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp...

[links()]
(LĐ online) - Sáng 8/12, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã báo cáo tiếp thu ý kiến đại biểu về các vấn đề chủ yếu thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong năm 2021 và một số vấn đề trọng tâm trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.
 
Chủ tọa điều hành kỳ họp
Chủ tọa điều hành kỳ họp
 
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, không chỉ làm cho các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch, dịch vụ, vận tải… bị ảnh hưởng nặng nề mà còn làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành nghề khác cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Kinh tế tuy đạt mức tăng trưởng nhưng vẫn thiếu tính ổn định, bền vững; nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn về thị trường. Việc nhân rộng mô hình trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao còn chậm. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng mặc dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo nhưng vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn, xử lý, gây dư luận không tốt về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. 
 
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chính quyền địa phương cấp cơ sở, đơn vị chủ rừng ở những địa bàn trọng điểm chưa thực hiện hết vài trò, trách nhiệm được giao, chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thụ động trong thực hiện… thậm chí còn có sự tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Công tác phối hợp của các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, đồng bộ; tham mưu, đề xuất thiếu trách nhiệm; một số vụ án trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa được điều tra, đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh để răn đe.
 
Bên cạnh đó, công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng phương án sử dụng diện tích đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững còn chậm; hoạt động giải tỏa nhà lưới, nhà kính trên đất lâm nghiệp tại địa bàn các huyện, thành phố chưa quyết liệt. Những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường chưa được rà soát, cập nhật bổ sung kịp thời. Tiến độ lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm thời gian quy định. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng còn một số bất cập, tình trạng công trình xây dựng không phép, sai phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi tập trung chủ yếu tại các đô thị. Tình trạng phân lô, tách thửa trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số huyện, thành phố, đặc biệt là TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kiên quyết và tiếp tục diễn biến phức tạp gây dự luận không tốt và bức xúc trong Nhân dân. 
 
Thu ngân sách nhà nước mặc dù đạt và vượt dự toán được giao nhưng cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn thiếu vững chắc, nguồn thu từ sản xuất chưa ổn định, vẫn còn tình trạng thất thu ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng dầu, hoạt động chuyển nhượng bất động sản… Tình trạng khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng quá thấp so với giá thực tế chuyển nhượng, thậm chí có trường hợp giá hợp đồng công chứng chỉ bằng 20% so với giá thực tế chuyển nhượng… dẫn đến thất thu ngân sách trong lĩnh vực này...
 
Chủ tịch UBND tỉnh đã phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo quyết liệt.
 
Trên tinh thần đổi mới, trách nhiệm, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, tiếp thu, cầu thị, quan tâm giải quyết tất cả các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. 
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tiếp thu, giải trình và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tiếp thu, giải trình và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
 
Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trong năm 2022, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn, để tạo ra một xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nội dung thời gian tới. Trong đó, tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng chống dịch Covid-19, đặt sức khỏe, tính mạng Nhân dân lên trên hết, trước hết; thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động, tăng cường phối hợp trong xây dựng kịch bản phòng chống phù hợp với diễn biến của dịch, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhất là các lĩnh vực quan trọng, đang bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, tạo nền tảng cho các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội từng bước trở về trạng thái bình thường mới.
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối vốn đầu tư của Nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong việc chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công và triển khai các công trình, dự án, đặc biệt là dự án Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương ngay sau khi được các Bộ, ngành Trung ương quyết định chủ trương đầu tư hoặc bố trí vốn theo quy định. Tiếp tục rà soát tiến độ các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư; đồng thời, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực thi công sớm đưa dự án đi vào hoạt động. 
 
Phát triển nông nghiệp theo hướng đa ngành, nông nghiệp xanh, hiện đại, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, địa phương. Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, sớm đạt mục tiêu về đích nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
 
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, Luật Lâm nghiệp, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025. Kiên quyết thu hồi các dự án không thực hiện, thực hiện không đúng các nội dung dự án được duyệt, để rừng bị phá, bị lấn chiếm. Tập trung thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh theo Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không làm tròn trách nhiệm được giao, để rừng và đất rừng bị xâm chiếm;…
 
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo từ các nguyên liệu, sản phẩm có lợi thế của địa phương, công nghiệp hỗ trợ, dược phẩm... theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản và khoáng sản đã qua chế biến, hạn chế xuất khẩu thô. Tổ chức rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để điều chỉnh, cập nhật bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
 
Tập trung nghiên cứu thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm khôi phục ngành du lịch, tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch, đầu tư các loại hình, sản phẩm du lịch mới, cao cấp, các dịch vụ du lịch gắn với kinh tế ban đêm và hợp tác xây dựng các tuyến du lịch kết nối Đà Lạt với các trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong nước và quốc tế.
 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm và đẩy mạnh giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo mới, giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khắc phục các bất cập trong tổ chức dạy và học trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đa dạng hóa các hình thức dạy và học trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, kéo dài, linh hoạt mở lại trường học phù hợp với tình hình của từng địa phương. 
 
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Các đại biểu tham dự kỳ họp
 
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, giảm trợ cấp cân đối và đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho ngân sách của các huyện, thành phố. Chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021 là 11.000 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí và lệ phí 6.300 tỷ đồng. Để đạt được nhiệm vụ thu nêu trên, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc một cách đồng bộ ngay từ đầu năm, đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác nguồn thu đi đôi với tăng cường bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. 
 
Chủ động rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các cơ chế, chính sách địa phương đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với các quy định mới và thực tế hiện nay, đặc biệt là các chính sách trong lĩnh vực ưu đãi, thu hút đầu tư, đất đai, môi trường... Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xem xét, thẩm định các dự án đề nghị cấp phép đầu tư, tạo lợi thế so sánh cho tỉnh Lâm Đồng, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh.
 
Tập trung rà soát quy hoạch chung các đô thị không còn phù hợp; khẩn trương lập, hoàn thành các đồ án quy hoạch: Tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng huyện, các đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh và quy hoạch xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh gắn với việc tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh; tiếp tục rà soát, có biện pháp phù hợp để giải quyết theo quy định và tình hình cụ thể của địa phương về những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tại một số khu dân cư đang gặp khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, xây dựng tại Thành phố Đà Lạt và một số địa phương khác. 
 
Tổ chức rà soát, xử lý triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, san ủi trái phép đất rừng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng trái phép...; kiên quyết thu hồi các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 04/8/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và sử dụng đất, khai thác tài nguyên, khoáng sản và môi trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm gắn với xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra các vi phạm.
 
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm phân định rõ đầu mối, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân; tiến độ, thời hạn giải quyết công việc và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, khắc phục ngay tình trạng trì trệ, sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ…
 
Từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ những yếu kém, tồn tại của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong năm 2021; chủ động xây dựng chương trình công tác, kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngay từ đầu năm. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của từng tháng, từng quý. 
 
NGUYỆT THU