(LĐ online) - Ngày 10/12, tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng...
(LĐ online) - Ngày 10/12, tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng làm trưởng đoàn đã thực hiện chương trình giám sát tại UBND tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đồng chủ trì buổi làm việc có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng tham dự có các ĐBQH: K’ Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh, các thành viên Đoàn giám sát và các sở, ngành liên quan.
|
Đại diện sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính với đoàn |
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nội vụ báo cáo cụ thể với Đoàn về kết quả thực hiện nội dung này.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch đã xác định theo nghị quyết của Chính phủ. Việc sắp xếp là phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, việc quản lý cũng đang được thực hiện trên không gian mạng. Việc sắp xếp các xã góp phần đem lại các tác động tích cực như: Mở rộng không gian, quy mô của một đơn vị hành chính cấp cơ sở. Giảm đầu mối cấp hành chính trực thuộc cấp huyện. Giảm tổ chức, bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và chất lượng hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương...
Tuy nhiên, cũng gặp phải một số tác động tiêu cực, khó khăn nhất định như: Tăng nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội đến đơn vị hành chính cấp cơ sở. Cán bộ, công chức và người lao động phải luân chuyển công tác hoặc giải quyết chính sách, tinh giản biên chế. Những cán bộ, công chức được lựa chọn, điều động đến đơn vị hành chính mới không tránh khỏi những lúng túng ban đầu do phải giải quyết công việc chuyên môn ở địa bàn mới. Điều này tất yếu ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cán bộ, công chức và các cơ quan quản lý trong thời gian đầu. Ảnh hưởng đến tâm lý xã hội của người dân; đồng thời, ảnh hưởng đến tâm lý của một số cán bộ, công chức, viên chức khi tiến hành sắp xếp. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn sau khi sáp nhập rộng lớn hơn sẽ không tránh khỏi những khó khăn thách thức về quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giấy phép kinh doanh, đặc biệt là quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội…
Các thành viên Đoàn giám sát đã đặt câu hỏi đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề nhằm ghi nhận những hạn chế, có cơ sở để kiến nghị Quốc hội.
Thay mặt UBND tỉnh, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin với đoàn và các thành viên của Đoàn ĐBQH về những nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời; kiến nghị đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì giao cho địa phương căn cứ tình hình thực tế để xem xét, quyết định. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp áp dụng riêng đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này theo hướng không áp dụng quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Về chế độ, chính sách đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ ban hành nghị định về chế độ, chính sách giải quyết các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; từ đó tạo điều kiện cho các địa phương thống nhất tổ chức thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Về cơ bản, từ khi các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tiêu chuẩn đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực, Chính phủ và các cơ quan từ Trung ương đến địa phương có hướng dẫn về kế hoạch, phương án tổng thể thì góc độ địa phương đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa, quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo đúng quy định và thời gian theo yêu cầu. Bên cạnh những thuận lợi và sự đồng thuận của đa số ý kiến của các tầng lớp nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính, còn lại ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến việc đi lại, giải quyết công việc, thủ tục giấy tờ của Nhân dân thay đổi… Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo được sự đồng thuận cao nhất trong quần chúng Nhân dân.
NGUYỆT THU