Hiệu quả sau 5 năm thực hiện Kết luận số 120 ở Lâm Đồng

05:12, 08/12/2021

Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...

Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể chế hóa trên tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà.
 
Xác định quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò và vị trí quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Theo đó, cấp ủy các cấp đã chú trọng nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở. 100% cấp ủy địa phương phân công đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở. Các cơ quan hành chính nhà nước đều phân công lãnh đạo và phòng chuyên môn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền và QCDC ở cơ sở của cơ quan, đơn vị. 
 
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11) có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả 11 nội dung cần phải công khai cho Nhân dân biết. Hình thức công khai được niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; các điểm sinh hoạt cộng đồng ở từng khu dân cư, thông báo trên hệ thống truyền thanh tại cơ sở... Nhiều nội dung, quy định về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước được chính quyền tổ chức họp dân và thông báo rộng rãi... tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân được tiếp cận và nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những băn khoăn, thắc mắc trong việc triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở. 
 
Công tác hòa giải tại cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh có 1.341 tổ hòa giải cơ sở, được thành lập ở từng thôn, tổ dân phố. Công tác hòa giải ở cơ sở từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các địa phương. Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động tương đối hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, các Ban thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát, kiểm tra 289 vụ việc. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 1.273 công trình, dự án đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn do Nhân dân đóng góp, vốn Nhà nước và Nhân dân cùng làm và một số công trình 100% vốn Nhà nước đầu tư. 
 
Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2016/TT-BNV của Bộ Nội vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được thực hiện nghiêm túc và ngày càng đi vào quy củ, nền nếp. 100% các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo theo quy định của pháp luật. Công tác cải cách hành chính của tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt và chuyển biến tích cực, góp phần làm tăng tính minh bạch, giảm bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được triển khai thực hiện tại 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến cấp xã. Thực hiện chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của nhiều thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công tại các sở, ngành, địa phương cho cơ quan bưu điện thực hiện. 
 
Định kỳ hàng tháng Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp dân tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh trên tinh thần dân chủ, công khai, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại các cuộc tiếp dân nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được xem xét và trả lời trực tiếp. Đối với những vụ việc có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, xem xét và giải quyết theo quy định. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tiếp 14.402 lượt công dân với 17.916 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 
 
Việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP và Nghị định số 149/2018/NĐ-CP được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực trong các loại hình doanh nghiệp. Hàng năm, có khoảng 90% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đúng định kỳ, phát huy được dân chủ trong doanh nghiệp; tỷ lệ công đoàn cơ sở doanh nghiệp tham gia xây dựng QCDC cơ sở đạt 100%; có 368/368 (100%) doanh nghiệp thực hiện đối thoại tại nơi làm việc.
 
NGỌC BÍCH