(LĐ online) - Ngày 30/12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 6 khóa IX. Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
(LĐ online) - Ngày 30/12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 6 khóa IX. Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 62 điểm cầu toàn quốc.
|
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, chủ trì có ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng, ông Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng dự có các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng dự.
Năm 2021, đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng; đặc biệt là việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. So với năm 2020, năm nay đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát và kéo dài ở nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm lý của Nhân dân.
Năm qua, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh dưới tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm không đạt theo chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao. Các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải và bán lẻ. Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là người dân trong các khu cách ly, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do...; số lượng người lao động mất việc làm gia tăng. Làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ chính trị bằng các giải pháp linh hoạt, cụ thể, nỗ lực ở mức độ cao nhất trong phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của Nhân dân và duy trì nền kinh tế. Chủ trương của Đảng, Nhà nước nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế được các tầng lớp nhân dân đồng tình, tin tưởng. Đông đảo Nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch; trong đó, có việc chủ động đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, thuốc điều trị; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; xây dựng các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19…
Từ kết quả đạt được, niềm tin của của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường. Lòng yêu nước được biểu hiện bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch, đã trở thành động lực cần thiết, quan trọng góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Kết quả, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai 10 trọng tâm công tác, 134 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, 40 nhiệm vụ mới phát sinh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động, tích cực chuẩn bị các nội dung công tác bầu cử từ rất sớm với nỗ lực và tinh thần quyết tâm cao cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khắc phục mọi khó khăn, vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 kết quả rất quan trọng: Tỉ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,6% tổng số cử tri cả nước, với 499 ĐBQH trúng cử.
Tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 (từ ngày 1/5 đến ngày 15/12/2021) được 21.803,2 tỷ đồng (qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 13.003,3 tỷ đồng; qua Quỹ Vắc xin là 8.799,9 tỷ đồng). Đã phân bổ, hỗ trợ và chi mua vắc xin phòng Covid-19 số tiền 18.940 tỷ đồng; đã phân bổ 3.998.177 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh, giúp đỡ gia đình, cá nhân khó khăn khi phải giãn cách xã hội; hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch 11.264,3 tỷ đồng; Quỹ Vắc xin đã chi 7.675,7 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ. Phối hợp giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phát biểu tham luận xoay quanh nhiều nội dung, trong đó đề cao vai trò đồng hành của MTTQ các cấp cùng với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm khắc phục hạn chế trong năm qua, đề xuất giải pháp phát huy vai trò nhiệm vụ của MTTQ các cấp trong năm 2022.
NGUYỆT THU