Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

01:12, 21/12/2021

(LĐ online) - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

(LĐ online) - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng
Đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Cùng tham dự có đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. 
 
Điểm cầu Lâm Đồng với sự chủ trì của các đồng chí: Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. 
 
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng ngành tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. 
 
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Năm 2021, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết và cho ý kiến với 5 dự án luật khác, đang gấp rút chuẩn bị 4 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 5.510 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. 
 
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm. Ngành tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 12.366 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra hơn 3.600 văn bản. Ngành tư pháp đã tập trung rà soát gần 30.000 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý đối với hơn 5.500 văn bản. 
 
Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải cơ sở có nhiều đổi mới; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, đặc biệt là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. 
 
Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của bộ, ngành tư pháp như thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 493.000 việc với hơn 45.700 tỷ đồng; trong đó, có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. 
 
Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả… Những kết quả trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và từng địa phương. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, để thực hiện tốt công tác tư pháp năm 2022, ngành tư pháp đã triển khai nhiệm vụ, giải pháp với những nội dung cụ thể, trọng tâm. Trong đó, tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội; tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 là chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp…
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tác tư pháp năm 2021; đề xuất giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Đồng thời, góp ý bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tư pháp của các địa phương trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19; đề xuất, kiến nghị một số nội dung để triển khai thực hiện công tác tư pháp trong thời gian tới… 
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng các cấp, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi môi trường pháp lý cần phải được nâng cao, cải thiện tốt hơn đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để họ thực hiện quyền công dân, sống và làm việc theo pháp luật. Trong đó, cần nâng cao vị trí, xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế - một trong ba khâu đột phá chiến lược để có môi trường pháp lý phù hợp với thực tiễn, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm trong xây dựng thể chế, mục tiêu làm cho Nhân dân được ấm no, hạnh phúc trong môi trường pháp lý; bám sát vào đường lối, chủ trương của Đảng để thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thực thi của các cấp chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp; đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển; tăng cường tiến độ, chất lượng thi hành án dân sự. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong hệ thống bộ, ngành tư pháp, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động đẩy mạnh hơn nữa phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngay từ khi xây dựng thể chế; bộ, ngành tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nâng cao công tác chiến lược trong xây dựng và hoàn thiện thể chế… 
 
TUẤN HƯƠNG