(LĐ online) - Chiều 20/12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022...
(LĐ online) - Chiều 20/12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các sở ngành; các hạt kiểm lâm; các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, các vườn quốc gia…
Quang cảnh hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, địa phương, các chủ rừng… nên công tác này đạt được những kết quả tích cực. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm giảm 190 vụ, tương ứng giảm 28%; diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng giảm 9,53% ha, tương ứng giảm 21%; lâm sản thiệt hại giảm 472 m
3, tương ứng giảm 19% so với năm 2020.
Theo thống kê, tỷ lệ lớn các vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là các vụ lấn chiếm đất rừng, phá rừng đều không được phát hiện ngay từ đầu, hầu hết đều vắng chủ nên công tác điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo huyện Bảo Lâm đề nghị quan tâm bố trí thêm cán bộ kiểm lâm cho huyện |
Đối với công tác trồng rừng, thực hiện kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh, các địa phương trong toàn tỉnh đã trồng được hơn 6,026 triệu cây xanh các loại, đạt 179,4% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao. Công tác trồng rừng năm 2021 đạt 115% so với kết quả thực hiện năm 2020 (429,22 ha). Số vụ, diện tích thiệt hại cháy rừng mùa khô năm 2020 - 2021 đã giảm mạnh so với cùng kỳ.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện Đề án 1836 là cơ sở ổn định cơ cấu phát triển lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ rừng, giải quyết đất sản xuất cho người dân tại các khu vực phù hợp trong thời gian tới, góp phần nâng cao trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS sống gần rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoà Bắc - Hoà Nam đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo lực lượng công an cơ sở hỗ trợ đơn vị chủ rừng trong việc răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp |
Cũng theo số liệu báo cáo tại hội nghị, năm 2021, các địa phương để xảy ra các vụ phá rừng với diện tích lâm sản bị thiệt hại nhiều gồm có huyện Đam Rông, Đức Trọng, Bảo Lâm, Lạc Dương… Các địa phương này cũng đã được yêu cầu báo cáo, giải trình cụ thể tại hội nghị.
Trên tinh thần nghiêm túc, nhìn thẳng vào những vấn đề thực tế hiện nay của từng địa phương, hội nghị dành phần lớn thời gian tập trung vào phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đặc biệt là ở những địa phương để xảy ra số vụ, diện tích rừng bị thiệt hại lớn. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương và ngành nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại những yếu kém, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ kiểm lâm và đơn vị chủ rừng… Từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác lãnh chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Công tác công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra ngày càng tinh vi và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nên cần tất cả các tổ chức chính trị, các sở ngành liên quan phải làm tốt công tác phối hợp; quá trình tổ chức cưỡng chế giải toả thu hồi cần phải thực hiện kiên quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại hội nghị |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề ra 8 giải pháp, yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện để khắc phục những tồn tại về công tác quản lý bảo vệ và trồng rừng trong năm 2021. Theo đó, đồng chí yêu cầu 6 địa phương Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đà Lạt có tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp phức tạp và xảy ra nhiều nhất khẩn trương xây dựng phương án khắc phục; tất cả các địa phương không được phép hợp thức hoá diện tích rừng dân lấn chiếm từ năm 2016 đến 2020 trong Đề án 1836, phải kiên quyết giải toả để đưa vào trồng rừng; giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ 34% trong năm nay, xuống còn 15% trong năm 2022; quản lý tốt diện tích dự án rừng tỉnh đã thu hồi; đẩy mạnh công tác giải toả diện tích nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp; những diện tích đất lâm nghiệp đã cấp sổ không được đưa vào đất rừng; đẩy nhanh tiến độ giải pháp quy hoạch đất lâm nghiệp đã đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng;
Đề nghị các chủ rừng nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, quyết liệt hơn và trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm lâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kết luận hội nghị, yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý bảo vệ rừng, mục tiêu là giảm từ 25 - 35% số vụ, số diện tích và số lâm sản thiệt hại trong năm 2022 |
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ghi nhận những kết quả đạt được; đồng chí ghi nhận công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2021 có sự chuyển biến khá mạnh mẽ, số vụ vi phạm giảm rất sâu. Công tác trồng rừng cũng đạt kết quả tốt, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác quản lý bảo vệ rừng phát huy hiệu quả, tổng diện tích rừng được khoán bảo vệ năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 452.756 ha. Mặc dù số vụ vi phạm diện tích rừng thiệt hại có giảm so với năm 2020, tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá rằng, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng vẫn còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương. Một số dự án đầu tư liên quan đến rừng và đát rừng triển khai còn chậm, chủ đầu tư không bố trí lực lượng đủ mạnh để quản lý bảo vệ rừng. Công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng còn chậm và chất lượng quy hoạch chưa cao. Công tác giải toả, tháo dỡ nhà lưới, nhà kính diễn ra rất chậm, đến nay mới chỉ giải toả được hơn 18 ha trên diện tích gần 216 ha.
Đồng chí cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo thời gian tới các sở ngành, địa phương phải tập trung, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác quản lý bảo vệ rừng; nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng, mục tiêu là phải giảm từ 25 - 35% số vụ, số diện tích và số lâm sản thiệt hại trong năm 2022.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu báo cáo UBND tỉnh thực hiện nghiêm nội dung tại văn bản số 8912/UBND-LN mà UBND tỉnh đã giao, trong đó thống kê chính xác số các vụ việc vi phạm trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng, có hình thức kỷ luật phù hợp với 3 hạt trưởng hạt kiểm lâm để xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng; có hình thức kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Đồng chí cũng yêu cầu Công an tỉnh tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng trong công tác kiểm tra, truy quét ngăn chặn các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp; yêu cầu các đơn vị Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân chủ động và tăng cường phối hợp điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm, mạnh các vụ án trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng…
NGUYỄN NGHĨA