Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển

05:12, 25/12/2021

(LĐ online) - Chiều 25/12, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo du lịch 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển". 

(LĐ online) - Chiều 25/12, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”. 
 
Ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng và ông Đặng Trí Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng
Ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng và ông Đặng Trí Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Vinpearl Discovery Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hội thảo có sự tham dự của ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội; ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương,  sở,  ngành cùng dự. 
 
Tham dự và chủ trì phía đầu cầu Lâm Đồng có ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,  Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh, ông Đặng Trí Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng tham dự có ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn ĐBQH, ĐBQH K’ Nhiễu, đại diện HĐND, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Du lịch và Thương mại tỉnh, UBND TP Đà Lạt và một số công ty du lịch cùng dự.
 
Hội thảo là diễn đàn để các ĐBQH, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch;  cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay. Các đại biểu tiến hành thảo luận về quan điểm,  định hướng và giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới; xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch. 
 
Trên cơ sở đó, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới; đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
 
Đối với du lịch Việt Nam, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chỉ tiêu phát triển liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, từ cuối tháng 3, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019, đạt 312.200 tỷ đồng. 
 
Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 32,25 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 138.150 tỷ đồng.
 
 Ước tính cả năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng. 
 
Có thể nói, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90 - 95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động (trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh). Các doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự. 
 
Các giải pháp đã được đưa ra để giúp giải quyết các khó khăn và phục hồi du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài về chính sách thuế phí, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ riêng cho ngành du lịch như giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch, giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023. Các chính sách trên sớm được ban hành đã hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, người lao động du lịch sớm vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch, được cộng đồng du lịch Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến ngành du lịch. Các hỗ trợ này phần nào giúp cho đội ngũ ngành du lịch đỡ tan rã, mất mát khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Tuy nhiên, có một số chính sách như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... không tạo ra tác động tích cực do doanh nghiệp du lịch không có doanh thu, hoạt động du lịch bị dừng ngay khi dịch bệnh xuất hiện.
 
Các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp như: Trong ngắn hạn, ngành du lịch cần tập trung vào công tác khắc phục hậu quả và phục hồi du lịch sau đại dịch như khuyến khích du lịch nội địa trước ngay dịp tết và đầu năm 2022 và có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn.  Kiểm soát dịch bệnh và thích ứng an toàn cần xem xét ở 3 phía: Điểm du lịch, khách du lịch và hướng dẫn viên. Triển khai chứng nhận và hộ chiếu vắc xin là chìa khóa để đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Thu hút lao động du lịch trở lại làm việc. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiêp và người lao động  ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới. Doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp, đào tạo nhân viên du lịch phục vụ trong điều kiện thích ứng an toàn…
 
NGUYỆT THU