(LĐ online) - Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) là sự kiện lịch sử mở đầu cuộc trường chinh 30 năm toàn dân tộc đoàn kết...
(LĐ online) - Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) là sự kiện lịch sử mở đầu cuộc trường chinh 30 năm toàn dân tộc đoàn kết, anh dũng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lập nên những chiến công hiển hách, thể hiện tinh thần và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Những ngày này cách đây 75 năm, sau nhiều cố gắng của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giữ nền độc lập dân tộc nhưng không thành, ngày 19/12/1946, bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào tinh thần đoàn kết, sức mạnh vô địch của Nhân dân cùng ý chí sắt đá “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn dân tộc nhất tề đứng lên đánh giặc ngoại xâm cứu Tổ quốc.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, sự kiện lịch sử vĩ đại chấm dứt gần trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy vậy, lúc bấy giờ thế nước như ngàn cân treo sợi tóc bởi thù trong, giặc ngoài luôn rình rập, phá hoại. Phía Bắc hơn 20 vạn quân Tưởng, đi cùng là bọn Việt Quốc, Việt Cách với âm mưu “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Phía Nam, thực dân Pháp núp sau quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật nhưng thực chất là muốn cướp nước ta lần nữa. Trong nước, giặc đói đã làm chết hơn 2 triệu đồng bào ta, hơn 95% dân số mù chữ…
Do đó, để giữ vững nền độc lập còn non trẻ, Chính phủ ta đã “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đưa ra nhiều kế sách hòa hoãn với Tưởng và sau đó là Pháp nhằm xây dựng và củng cố lực lượng như: Ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946; nhưng thực dân Pháp liên tục phá hoại Hiệp định và Tạm ước. Cuối tháng 11/1946, chúng đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn, tăng quân tại Đà Nẵng, tăng cường khiêu khích ngay ở Thủ đô. Đặc biệt, sáng ngày 19/12/1946, chúng gửi tiếp “tối hậu thư” nhắc lại việc đòi ta phải tước vũ khí các lực lượng vũ trang và dỡ bỏ chướng ngại vật trên đường phố trong 24 giờ (tức là chỉ trong ngày 19 và sáng 20/12/1946).
Trước tình hình hết sức căng thẳng và gấp rút, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhẫn nhịn để cứu vãn hòa bình. Người gửi tới Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Hà Nội là J. Sainteny một lời đề nghị cùng gặp gỡ để trao đổi, nhằm tìm ra giải pháp chính trị, nhưng J. Sainteny từ chối. Không bất ngờ trước âm mưu và hành động của quân thù, chúng ta đã chủ động, tích cực chuẩn bị cho mọi tình huống với mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do, vì danh dự và tinh thần tự tôn dân tộc, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”!
Một mặt, chúng ta thường xuyên thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình đất nước tới toàn thể quốc dân đồng bào và lực lượng xã hội tiến bộ trên thế giới; chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho cuộc chiến tranh mà dự báo là khó tránh khỏi, lâu dài và đầy gian khổ, hy sinh. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ Việt Nam tăng cường giao thiệp với Pháp, không bỏ qua một cơ hội nào, dù nhỏ, để đàm phán, thương lượng nhằm đi đến một giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai bên. Đồng thời, Người chủ động liên hệ với lãnh đạo các nước, nhất là các nước lớn như Liên Xô, Mỹ, Anh… đề nghị họ tôn trọng, ủng hộ, công nhận nền độc lập của Việt Nam. Rất tiếc, nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam không được đáp ứng và sau đó chiến tranh đã nổ ra.
|
Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh, quận Ba Đình). Ảnh: Báo QĐND |
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ bản chất âm mưu và hành động của thực dân Pháp đối với nước ta, khẳng định ý chí quyết tâm và tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến vĩ đại mà Nhân dân ta tiến hành. Đó là lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh là chính nhưng thắng lợi tất yếu thuộc về chính nghĩa, “nhất định về dân tộc ta”.
Lời kêu gọi đó kết tinh ý chí, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam; là sự hòa hợp giữa lòng dân với ý Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết bằng những lời lẽ ngắn gọn, dễ hiểu vừa giúp toàn dân nhận rõ bộ mặt kẻ thù, vừa xác định rõ mục tiêu, phương châm, phương thức, lực lượng kháng chiến; khẳng định cội nguồn sức mạnh và kết cục thắng lợi của dân tộc ta. Sức mạnh đó được hun đúc không những bởi truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mà còn bởi chính sự nín nhịn đến tột cùng chỉ nhằm giữ lấy điều thiêng liêng, cao quý nhất, giữ lấy quyền cơ bản của con người, của dân tộc, đó là “độc lập, tự do”. Đúng như lời đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư viết trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” rằng: “Nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành một sức mạnh xung thiên!”.
Ôn lại lịch sử, chúng ta cảm nhận không khí của những tháng ngày hào hùng quân dân cả nước đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trước và trên hết, dốc lòng chiến đấu vì đại nghĩa, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Thắng lợi của cuộc kháng chiến khẳng định vị thế của Việt Nam, một dân tộc văn hiến và anh hùng, kiên cường, bất khuất đấu tranh chống áp bức, bất công, xâm lược, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi ách thực dân, đế quốc; “dân tộc đó xứng đáng được hưởng tự do, xứng đáng được độc lập” như lời Bác Hồ từng tuyên bố.
Sự kiện Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 cùng với thắng lợi huy hoàng của nó cho chúng ta bài học giá trị trên nhiều phương diện để tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là bài học nhất quán, kiên trì thực hiện phương châm chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, mềm dẻo trong ứng phó với tình hình, trong quan hệ với đối phương, thậm chí là nhân nhượng ở những mức độ nhất định trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc là không thể và không bao giờ thay đổi. Đó là, bài học về nắm vững tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, chủ động và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho mọi tình huống bảo vệ Tổ quốc. Bài học về phát huy ý chí tự lực cánh sinh, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học về công tác tổ chức chuẩn bị kháng chiến, phối hợp hoạt động trên các chiến trường, vùng chiến lược, đánh giặc bằng thế trận chiến tranh nhân dân, kìm chân địch, căng địch ra để đánh, không cho chúng có cơ hội tập trung, hạn chế tối đa sức mạnh binh - hỏa lực của chúng. Bài học về nắm và chọn thời cơ, thời điểm phát động cuộc kháng chiến, chuyển đất nước vào trạng thái chiến tranh với tâm thế chủ động và sẵn sàng cao nhất, giành và giữ quyền chủ động trong suốt cuộc chiến tranh. Bài học về kết hợp tác chiến với công tác binh địch vận, “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người), phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng trong nước và quốc tế (kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, bậc nhân sĩ trên thế giới và cả nhân dân, binh lính Pháp).
Nghiên cứu diễn biến của tình hình dẫn đến sự kiện Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp chính là phía thực dân Pháp có dã tâm xâm lược, coi thường sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Thật thế, một nước Việt Nam lạc hậu, nghèo đói khi đó cũng là thực tế, tạo thêm cho kẻ xâm lược ngạo mạn, ảo tưởng về sức mạnh. Thực dân Pháp ỷ thế tàu to, súng lớn của đội quân nhà nghề, luôn nghĩ rằng chúng có thể thôn tính nước Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn; chúng không bao giờ nghĩ rằng Nhân dân Việt Nam nghèo khổ có thể chống lại chúng và càng không thể chiến thắng. Vì thế, “chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới”, mọi sự nhẫn nhịn, hành động giao thiệp thiện chí của chúng ta đều bị khước từ; chúng chỉ hành xử với chúng ta bằng “cái lý của kẻ mạnh”, bằng lối suy nghĩ áp đặt và nô dịch. Điều này đã được thực tế chứng minh, được chính những người trong cuộc ở cả hai phía ta và Pháp khẳng định, thừa nhận.
Từ thực tế đó, ngày nay để tránh xảy ra chiến tranh, xung đột quân sự, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cùng với việc phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, chúng ta phải đặc biệt quan tâm xây dựng thực lực bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tiềm lực quốc phòng; phải làm cho đối phương biết và sợ sức mạnh của chúng ta, hiểu được kết cục sẽ đến với chúng nếu chúng gây hấn. Đồng thời, cũng để đấu tranh phê phán với những nhận thức mơ hồ, lệch lạc về sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946, như: Tại sao ta không chọn con đường đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo hơn để vẫn có độc lập, tự do mà không phải tiến hành chiến tranh và không chịu nhiều hy sinh, tổn thất? Phải chăng, nếu thế này, hay thế khác… để dân tộc ta có hòa bình mà không phải đổ máu xương?
Tất nhiên, tư duy biện chứng luôn cần giả định nhưng khác hẳn với thói ngụy biện và lịch sử thì không bao giờ giả định. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong lần trả lời phỏng vấn năm 1996 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến đã nói: “Trong tình hình nước ta lúc bấy giờ có ai muốn hòa bình, có ai nhẫn nại, chịu khó, chịu cực, có ai chịu mất thì giờ và công sức để nói chuyện, để đàm phán cố tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được vì hòa bình và tránh chiến tranh? Có ai làm tất cả những việc kể trên đến nỗi kẻ địch cũng phải công nhận là Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn hòa bình mà cuối cùng không đạt được kết quả… Lực lượng xâm lược Pháp đem chiến tranh đến nước ta hòng khuất phục nhân dân ta. Như vậy ta nên đánh hay nên đầu hàng, ta nên chịu nhục là dân mất nước hay ngẩng đầu lên đoàn kết chiến đấu và chiến thắng?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh thương dân hơn ai hết, thấu hiểu sâu sắc những đau xót, hy sinh trong chiến tranh của bộ đội và Nhân dân ta. Người tiếc từng giọt máu của quân và dân ta cũng như nhân dân Pháp, Người đã cân nhắc thận trọng, đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và độc lập dân tộc lên trên hết, nên đã quyết định phát động toàn dân kháng chiến”.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khởi đầu từ sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946 đã đem lại độc lập, tự do và vị thế rất đỗi tự hào cho quốc gia - dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó sẽ càng thêm ý nghĩa và giá trị khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước hiện thực hóa khát vọng thiêng liêng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đấu tranh phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, thù địch cố tình làm sai lệch, xuyên tạc lịch sử; khẳng định tầm vóc vĩ đại và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam; củng cố, bồi đắp niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng trong thời kỳ đổi mới.
NGUYỄN SƠN
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Chính trị, Kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/1996), Hà Nội, 1996.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000.