(LĐ online) - Chiều 28/12, tại UBND huyện Đạ Huoai, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc về Dự án Đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương.
* Lâm Đồng được Chính phủ giao quyền làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần
(LĐ online) - Chiều 28/12, tại UBND huyện Đạ Huoai, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc về Dự án Đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương.
|
Đồng chí Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì buổi làm việc |
Về phía tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí: Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và lãnh đạo TP Bảo Lộc cùng các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm. Dự buổi làm việc còn có lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc là một trong 3 dự án thành phần của Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú – Bảo Lộc - Liên Khương trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 61 km, với tổng vốn đầu tư 7.369 tỷ đồng; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc tổng chiều dài 66 km, với tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng, có địa hình đồi núi dốc, hiểm trở (ở dự án thành phần này, vốn ngân sách Nhà nước là 6.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.460 tỷ đồng và vốn huy động khác 8.260 tỷ đồng); đoạn Bảo Lộc - Liên Khương chiều dài 74 km, với tổng mức đầu tư 11.311 tỷ đồng. Toàn bộ nền đường Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương rộng 22 m, với quy mô 4 làn xe ô tô và làn dừng xe khẩn cấp.
|
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng dự buổi làm việc |
Từ tháng 10/2020, Tập đoàn Đèo Cả, đại diện liên doanh nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu và báo cáo phương án đầu tư theo phương thức PPP với UBND tỉnh Lâm Đồng. Tháng 1/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư và đề xuất giao UBND tỉnh Lâm đồng làm cơ quan có thẩm quyền. Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao Lâm Đồng làm cơ quan có thẩm quyền để triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư. Ngày 15/6/2021, Hội đồng thẩm định liên ngành có báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ngày 21/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Từ tháng 7/2021 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đủ điều kiện phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư đã chủ động lập quy hoạch các mỏ vật liệu, bãi đổ thải… để kiểm soát, tiết giảm đầu tư. Cùng với đó liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư có quyền lợi, lợi ích liên quan như Hưng Thịnh, Phương Trang… để huy động vốn, không phụ thuộc vào vốn tín dụng. Các nhà đầu tư đã cam kết góp vốn với tỉnh Lâm Đồng dự án thành phần 3 (Tân Phú – Bảo Lộc).
Bên canh những thuận lợi, hiện tại, các địa phương và bộ, ngành liên quan đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị triển khai Dự án. Đặc biệt là bất cập trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dự án theo tuyến, đi qua nhiều tỉnh, thành phố nên quá trình lập, hoàn thiện hồ sơ khó khăn. Mặt khác, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chủ yếu được lập trên bản đồ số tỷ lệ 1/25.000 và tỷ lệ 1/10.000 nên việc lập bản đồ hiện trạng rừng theo tỷ lệ 1/2.000 (tương đương yêu cầu khảo sát bước nghiên cứu khả thi) ở bước này là chưa hợp lý. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội làm kéo dài thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục.
|
Đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo công tác chuẩn bị thực hiện Dự án |
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về công tác chuẩn bị của tỉnh Lâm Đồng để cùng các nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương. Tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các phần việc để triển khai Dự án với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… đã đồng ý tương tự cơ chế mà Chính phủ kiến nghị Quốc hội. Hiện tại, Văn phòng Chính phủ đang yêu cầu tỉnh Lâm Đồng thực hiện hồ sơ chủ trương chuyển đổi rừng. Đây là lý do đến nay chủ trương đầu tư của Dự án thành phần 3 (Tân Phú – Bảo Lộc) chưa được phê duyệt.
|
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai báo cáo tiến độ chuẩn bị triển khai Dự án |
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã báo cáo công tác chuẩn bị để triển khai dự án thành phần Dầu Giây – Tân Phú trong thời gian sớm nhất.
|
Đồng chí Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã gửi làm cảm ơn tới Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã quan tâm, tạo điều kiện để Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú – Bảo Lộc - Liên Khương sớm đi vào triển khai theo đúng kế hoạch. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thông qua buổi làm việc sẽ góp phần để Chính phủ và các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, đặc biệt là chủ trương giải quyết chuyển đổi mục đích đất rừng của Dự án; tỉnh Lâm Đồng và các nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, thiết kế sớm triển khai Dự án; đồng thời, Lâm Đồng, Đồng Nai và các bộ, ngành cam kết sẽ phối hợp để cùng tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai Dự án đảm bảo hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ đã đề ra.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định: Trong thời gian qua, 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan đã rất quyết tâm, sáng tạo để triển khai Dự án cao tốc trọng điểm này với 201 km đường cao tốc. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có tới 140 km đường cao tốc chạy qua. Tuy gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị cho Dự án, nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện quyết tâm cao nhất khi đánh giá được tầm quan trọng và vai trò của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.
Từ đó, Lâm Đồng đã chủ động thực hiện chủ trương của Chính phủ để phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương làm tốt công tác chuẩn bị. Đến hiện tại, cơ bản các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án đã được Lâm Đồng giải quyết tốt. Đặc biệt, Lâm Đồng tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng là địa phương duy nhất của cả nước triển khai thực hiện Dự án cao tốc không sử dụng nguồn vốn của Trung ương. Thay vào đó, tỉnh Lâm Đồng đã huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư cho dự án thành phần cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Đây là địa phương được Chính phủ cho chủ trương có thẩm quyền quyết định đầu tư 2 dự án thành phần Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương trong Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng trong việc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị triển khai Dự án này. Trong đó, đặc biệt là tư duy đánh giá, nhận diện về tầm quan trọng của Dự án của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng.
Đối với tỉnh Đồng Nai, cần tập trung với các bộ, ngành Trung ương giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại dự án thành phần Dầu Giây do Bộ Giao thộng Vận tải làm chủ đầu tư để đưa dự án đi vào khởi công đúng tiến độ. Trong đó, cần gấp rút trình các thủ tục để Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi đất rừng phục vụ Dự án. Từ đó, làm cơ sở để Chính phủ ký quyết định chủ trương đầu tư dự án thành phần Dầu Giây – Tân Phú; đồng thời, giải quyết những khó tại nút giao Dự án Tân Phú – Bảo Lộc để phấn đấu khởi công thực hiện từ tháng 10/2022. Riêng dự án thành phần Bảo Lộc – Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng có thẩm quyền thực hiện khởi công song song khi đủ các điều kiện cần thiết.
Dịp này, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành cũng đã gửi lời chúc mừng năm mới Nhâm Dần 2022 tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai với nhiều thắng lợi, thành công mới.
|
Ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại buổi làm việc |
|
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc |
|
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả - đại diện liên doanh nhà đầu tư báo cáo tại buổi làm việc |
KHÁNH PHÚC – ĐỨC TÚ