Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

06:12, 03/12/2021

Việc tự giác nêu gương nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"...

Việc tự giác nêu gương nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đồng thời, gắn với yêu cầu cần phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định nêu gương.
 
Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Về vấn đề nêu gương, Kết luận nêu một số hạn chế, tồn tại: “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu, chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”. Đây là một nhận định thể hiện sự thẳng thắn, mạnh dạn và từ đó có căn cứ để định hướng thực hiện Chỉ thị 05 trong thời gian tới.
 
Ngày 28/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/BTGTW thực hiện Kết luận 01; trong đó, vấn đề nêu gương, Kế hoạch đã đặt ra nhiều nội dung để cấp ủy các cấp và địa bàn, đảng viên quan tâm thực hiện.
 
Để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc thường xuyên và là nhiệm vụ của mọi cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa đến quần chúng nhân dân, vai trò nêu gương là rất quan trọng. Sự định hướng của các quy định của Trung ương về vấn đề này là rất cần thiết nhưng cũng cần những quy định cụ thể theo đặc thù của từng cơ quan, địa phương, đơn vị để việc nêu gương và kiểm tra, giám sát việc nêu gương trở thành cụ thể, thiết thực và phù hợp.
 
Tại Lâm Đồng, thời gian qua toàn Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp luôn nỗ lực vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt là xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên trên nền tảng đạo đức cách mạng gắn với đặc thù văn hóa, lối sống của vùng đất Nam Tây Nguyên mà cốt lõi là: Nói đi đôi với làm. Xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở: “Liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”; cán bộ, công chức, viên chức: Liêm chính, năng động, sáng tạo, hết lòng vì Nhân dân. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, Nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
 
Trong thực tế, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có tầm ảnh hưởng rất lớn, để từ đó người dân thêm tin yêu Đảng. Tại Lâm Đồng rất nhiều tấm gương thanh niên tình nguyện, cán bộ, đảng viên ngành Y tế gương mẫu hết lòng vì nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân được báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh ghi nhận, biểu dương. 
 
Để phát huy tốt trách nhiệm nêu gương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng tập trung chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là cần tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, nhất là chuyên đề năm 2021 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Nghị quyết Trung ương 6, 7, 8 (khóa XII) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tham mưu cấp ủy cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Thực hiện tốt các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, quản lý các cấp… Kịp thời tuyên truyền, phản ánh kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các địa phương, đơn vị; tạo đồng thuận trong Nhân dân và nâng cao quyết tâm chính trị cho cấp ủy, đảng viên và người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Tập trung tuyên truyền, cảnh giác, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai trái, xấu, độc của các thế lực thù địch, các phần tử xấu; đồng thời, đẩy mạnh việc phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố về tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị; không chạy chức, chạy quyền cũng như không bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”.
 
Nét khác biệt của Lâm Đồng so với các tỉnh, thành khác và là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy, đó là ngoài việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng thì cán bộ, đảng viên của Lâm Đồng, của thành phố Đà Lạt sẽ gắn với việc phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”. Với nét đặc trưng riêng này sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục có tinh thần để phát huy trách nhiệm, nêu gương trong mọi việc. Duy trì nếp “sống đẹp” hơn, ý nghĩa hơn trong giai đoạn mới này, ứng với mỗi công việc nhiệm vụ chuyên môn được giao, với mỗi khu dân cư nơi mình sống.
 
NGUYỆT THU