''Dân vận khéo'' trên vùng kinh tế mới

06:01, 12/01/2022
Từ những hình thức, cách làm phù hợp với tình hình từng địa bàn, cơ sở; phong trào “Dân vận khéo” tại vùng kinh tế mới Lâm Hà đã từng bước đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
 
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã tạo thêm động lực cho bà con nông dân huyện Lâm Hà mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã tạo thêm động lực cho bà con nông dân huyện Lâm Hà mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 
Đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của phong trào “Dân vận khéo”, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến và vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Chú trọng công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà đã phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động bà con thực hiện “Tiếng nói chung”, “Quyết tâm thư”, “Cam kết thi đua”,... góp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho thôn, buôn; phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tôn giáo trong việc vận động giáo dân, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo.
 
Kết quả, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Lâm Hà đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, công tác dân vận đã tạo động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Qua phong trào, đã xây dựng và hình thành nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiêu biểu có các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chè chất lượng cao giữa Công ty Long Đỉnh và các hộ gia đình, HTX sản xuất cây ăn trái Bốn mùa, HTX Thương mại dịch vụ Laba xã Phú Sơn,... Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà đã biểu dương 88 mô hình, điển hình cá nhân tiêu biểu. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phong trào thi đua trong lực lượng vũ trang giai đoạn 2015 - 2020, có 109 lượt tập thể, 25 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp khen thưởng.
 
Qua công tác dân vận khéo, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Lâm Hà đạt khoảng 1.085,1 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhân dân đóng góp là 192,5 tỷ đồng, chiếm 17,7%.
 
Theo đánh giá của Huyện ủy Lâm Hà, hoạt động của Khối Dân vận các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở. Đơn cử như tại xã Đan Phượng, mô hình dân vận khéo “Thắp sáng đường quê” vẫn được thực hiện có hiệu quả và nhân rộng trong những năm qua. Theo đồng chí Trần Hữu Nhiệm - Bí thư Đảng ủy xã, đây là mô hình phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, chính vì vậy được bà con Nhân dân tích cực hưởng ứng, đồng thuận. Từ đó, góp phần xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp tại địa phương.
 
Đặc biệt, trong năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con Nhân dân, Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch COVID-19”. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả được nhân rộng trong toàn huyện. Cụ thể như: Ủy ban MTTQ Việt Nam với mô hình “Bảo vệ vùng xanh”; Hội Phụ nữ với các mô hình làm tấm kính chắn giọt bắn, vận động ủng hộ nông sản, vận động nấu cơm miễn phí ủng hộ khu cách ly; Đoàn Thanh niên với mô hình “Đội thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19”. Bên cạnh đó, chú trọng phát huy vai trò mô hình Tổ COVID-19 cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố ở các xã, thị trấn. Vận động các tầng lớp Nhân dân ủng hộ nông sản, nhu yếu phẩm, triển khai các “Chuyến xe yêu thương”, “Chuyến xe 0 đồng” hỗ trợ bà con vùng dịch tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân chung tay ủng hộ Qũy Phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, đã vận động được trên 3,2 tỷ đồng.
 
Theo đồng chí Hoàng Sơn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà, thông qua việc các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Lâm Hà đã gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Từ đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
 
VIỆT QUỲNH