Đằng sau chuyện ''Tiên học Lễ, hậu học Văn''

08:01, 29/01/2022
(LĐ online) - Gần đây, tại cuộc Hội thảo với chủ đề: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, có ý kiến đề xuất nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Sau ý kiến này, số đông ý kiến phản ứng, bình luận; trong đó, có ý kiến của Hà Sĩ Phu trên trang Cố Nhân Lưu với bài Thế nào là “Tiên học Lễ, hậu học Văn”.
 
Giải thích nội hàm của hai chữ Lễ và Văn Hà Sĩ Phu cho rằng: “Đây là hai từ cổ mà thường được hiểu theo nghĩa nôm na ngày nay, Lễ thì toàn nghĩa phản cảm (lễ phép, lễ bái, cúng lễ, lễ tiết, lễ hội…), toàn là sự cung kính của kẻ dưới với người trên. Văn thì văn chương thơ phú rông dài. Thế thì khẩu hiệu này chỉ đáng vứt đi cho rảnh”.
 
Ủa! Sao Hà Sĩ Phu lại gọi những từ lễ phép, lễ bái, cúng lễ, lễ tiết, lễ hội… là “phản cảm”. Khi trao đổi khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, có vị cao niên kể rằng năm 1955, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, học trò đến lớp, đầu tiên là phải cúi chào lễ phép thầy, cô sau đó mới được học chữ A, B, C. Đó là một nét đẹp. Sự cung kính của kẻ dưới với người trên sao lại gọi là “phản cảm”. Cụ Lê Quý Đôn từng cảnh báo những nguy cơ mất nước; trong đó, có nguy cơ: “Trẻ không kính già, trò không trọng thầy”. Lời người xưa vẫn nguyên giá trị. Nếu Hà Sĩ Phu cho rằng lễ phép, lễ bái, cúng lễ, lễ tiết, lễ hội… toàn là nghĩa “phản cảm”, “toàn là sự phục tùng cung kính của kẻ dưới với người trên” thì chưa phải lắm, đó là ý kiến rất chủ quan, coi thường người khác, e rằng “thất lễ”. Tuy nhiên, trước khi nói điều đó, ông cũng phi lộ “Xin được góp với các Cụ mấy ý chắc còn thô lậu (vì tôi đang bệnh)”. Đúng là những ý kiến của ông thô lậu thật. Ông viết ra có cả người thân của ông cũng đọc mà, sao lại viết thế (?!).
 
Hình như trong con người Hà Sĩ Phu “Tiền, hậu bất nhất”. Sau những ý kiến đã nêu trên, ông lý giải những ý liên quan cân phân hơn, có tính thuyết phục hơn, dễ đồng cảm với ông hơn, ông viết: “Nhưng theo lời giảng mà tôi học được ở chữ Nho thuở bé thì Lễ là tất cả những quy phạm khuyên con người cần đối xử với nhau và với mọi công việc xã hội sao cho đúng nhất, tốt nhất. Tất nhiên, cái tốt, cái đúng của ngày xưa thì không thể toàn vẹn và hiện đại như ngày nay, nhưng cái đúng trong đó vẫn là cơ bản. Không phải cứ cổ là trọng nam khinh nữ mà các Cụ rất trọng tấm gương “Phu phụ tương kính như tân” (Vợ chồng biết kính trọng nhau như khách). Các Cụ đã khuyên “bất xỉ học vấn” (đừng xấu hổ khi học hỏi những người dưới mình). “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân mới quý, rồi đến đất nước, còn vua thì bình thường thôi). Nho giáo vào Việt Nam đã nhuốm thuần phong mỹ tục của nước Việt chứ không dập khuôn như chữ Tàu. Chữ Văn thì không phải chỉ là Văn chương thơ phú rông dài mà là tất cả những điều, những tri thức học được từ sách vở, từ sự giảng dạy của người thầy”. 
 
Rồi Hà Sĩ Phu cho rằng: “Tóm lại, theo điều tôi lĩnh hội được thì tinh thần toát lên từ lời răn “Tiên học Lễ, hậu học Văn” là hãy dạy cho học sinh biết làm người trước đã, rồi mới đến chuyện dạy học sinh mọi kiến thức sách vở. Giáo dục trước hết là dạy làm người, rồi mới đến dạy mọi tri thức. Đã làm người thì trước hết phải biết tự khẳng định mình, biết mình “đã đứng trong trời đất” thì phải ứng xử với mọi người, mọi việc sao cho xứng đáng? Nghĩa là phải chủ động và đóng góp cái đặc hiệu của cá nhân mình! Phương châm giáo dục quý giá như vậy thiết tưởng còn phải giữ đến muôn đời”.
 
Những ý trên của Hà Sĩ Phu đã làm rõ thêm nội hàm của khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” theo vốn hiểu biết của ông, có lẽ không phải bàn cãi nhiều vì “nói phải, củ cải cũng nghe”.
 
Tuy nhiên, không dừng ở đó, Hà Sĩ Phu trở mặt “đánh tráo khái niệm” để xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng: “Nhưng theo tác giả Hiếu Chân thì “Trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam chính là Đảng Cộng sản chứ không phải cái khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, và do đó ,cái cần phải bãi bỏ càng sớm càng tốt là chế độ độc tài toàn trị mà đảng này áp đặt lên toàn bộ đất nước chứ không chỉ bãi bỏ câu khẩu hiệu vốn đã bị xếp xó và thay bằng “5 điều Bác Hồ dạy” từ sau ngày miền Nam thất thủ”.
 
Thực ra, không ai muốn sa đà tranh luận những cái hàm hồ không cần thiết, nhưng cũng phải nói lại. Trước hết, xuất xứ của “5 điều Bác Hồ dạy” ra đời trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15/5/1941 -15/5/1961), Bác Hồ gửi thư chúc mừng và ân cần động viên, căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng 5 điều. Từ đó đến nay, 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Các trường học phổ thông giáo dục học sinh thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy là điều cần thiết và là việc bình thường. Nhiều trường học vẫn để cả khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, và “5 điều Bác Hồ dạy” không ai chỉ đạo thay thế như Hà Sĩ Phu khẳng định. Nếu để cả hai nội dung trên để giáo dục học sinh càng tốt, không có sự phân biệt. 
 
Hiện nay, trình độ học vấn của Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày càng được nâng cao, người ta biết phân biệt phải - trái, đúng - sai, không dễ gì “tung hỏa mù” kích động được sự chống phá cách mạng. Những người Việt Nam yêu nước chân chính đều hiểu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, một lòng vì nước, vì dân, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, cùng với Nhân dân và lãnh đạo Nhân dân chiến đấu cực kỳ anh dũng, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, đưa đất nước ta từ thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước độc lập, tự do, thống nhất, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa nhân dân từ thân phận đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. 
 
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và công nghệ là quốc sách hàng đầu; chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi. Phải chăng đó cũng là một phần trong nội hàm của “Lễ” và “Văn” theo quan niệm phát triển. 
 
Cũng vì cuộc sống của con người, Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh. Trong chế độ chính trị của chế độ mới mà Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đảng Cộng sản Việt Nam công khai chỉ rõ mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất chế độ xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước.
 
Khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” đã thấm sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ con người Việt Nam dù cho nhận thức có thể chưa sát nghĩa, nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Quan điểm giáo dục truyền thống xem trọng việc giáo dục đạo đức, góp phần hình thành nhân cách cho người học. Mục tiêu trọng tâm của ngành giáo dục vẫn là đào tạo ra một thế hệ trẻ phát triển đầy đủ cả tài năng lẫn đạo đức. Có người đã đúc kết: Có hai sức mạnh mang đến sự yên ổn, đó là đạo đức và pháp luật. Nhà nước pháp quyền mà chúng ta quan niệm không phải là một kiểu nhà nước, trong lịch sử chỉ có bốn kiểu nhà nước: Chủ nô, phong kiến, tư sản, xã hội chủ nghĩa.
 
Nhà nước pháp quyền - nói một cách khái quát là hệ thống các tư tưởng, quan điểm đề cao pháp luật, pháp chế trong tổ chức, hoạt động trong bộ máy nhà nước và trong đời sống xã hội. Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật. Đương nhiên, bao giờ pháp luật cũng mang tính giai cấp, phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền.
 
Các tư tưởng, quan điểm liên quan đến nhà nước pháp quyền xuất hiện rất sớm, mà tiêu biểu là các nhà tư tưởng Hy Lạp và La Mã cổ đại. Các tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền được tiếp tục phát triển, hoàn thiện đầy đủ hơn, rõ nét hơn.
 
Vì nhà nước và pháp luật đều mang tính giai cấp, cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” hoặc “nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”…
 
Trong một xã hội, mọi công dân biết tuân thủ pháp luật là một xã hội tiến bộ, văn minh, phải chăng cũng là sự phục tùng, cung kính đối với cái chung của một quốc gia. Một xã hội chỉ thực sự phát triển khi có những cá nhân có nền tảng đạo đức tốt, thấu hiểu và lan tỏa những hành vi đẹp, nhân ái và giàu tình cảm. Cái “Lễ” cũng tùy thuộc hoàn cảnh xã hội và đặc trưng văn hóa của từng quốc gia mà có những quy tắc đặc thù, nhưng nhìn chung đều có cội nguồn của văn hóa toàn cầu. Dù có hội nhập sâu, rộng thì khẩu hiệu “Tiên học Lễ hậu học Văn” không hề gây cản trở đến sự phát triển tư duy phản biện, khai mở sự sáng tạo mà ngược lại còn góp phần hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần, giúp học sinh vững vàng hơn trong quá trình tiếp thu tri thức. 
 
Những người thành đạt đúng nghĩa đều là những người biết cung kính đối với người trên, người có công nuôi, dạy, có công với nước. Người ta vẫn lan truyền câu chuyện nguyên Tổng thống Pháp FraCois Sadi Camot, nhân một lần về thăm quê, khi đi qua trường làng, trông thấy thầy giáo cũ vẫn còn đứng lớp, đã đến trước mặt thầy giáo cũ lễ phép “chào thầy, con là Camot, thầy còn nhớ con không?” Rồi ông nói với học trò nhỏ: “Tôi trước là mang ơn cha mẹ, sau ơn thầy đây. Nhờ thầy chịu khó dạy bảo, tôi mới làm nên sự nghiệp ngày nay”. Đó, học và hành về “Lễ” phải chăng là như thế. 
 
Ở Việt Nam ta cũng có rất nhiều ví dụ tương tự thời nào cũng có. Những công dân biết tuân thủ pháp luật là những người đề cao lòng tự trọng. Những người từng dạy học, trong đó có Hà Sĩ Phu hẳn chưa quên lời khuyên của Makarenko, nhà giáo dục của Liên Xô cũ: “Kỷ luật, ai có tính kỷ luật, thì người đó sẽ thắng, kỷ luật là tự do”. Đúng vậy, anh cứ sống tử tế, có tình, có nghĩa thì ai đụng chạm đến anh!
 
HÀ PHÚC LÂM