Đấu tranh với luận điệu xuyên tạc Hội nghị Đối ngoại toàn quốc

09:01, 02/01/2022
(LĐ online) - Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng tấn công xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các đối tượng chống đối đã lợi dụng để xuyên tạc, tạo cớ chống phá chính sách đối ngoại của Việt Nam.
 
Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, nền ngoại giao của Việt Nam còn lạc hậu, đường lối bị động, một mặt, hội nhập do thiếu bản sắc nên bị hòa tan, mặt khác, lại cục bộ, “chọn bên” nên chưa có sức ảnh hưởng, thiếu cả độ rộng lẫn chiều sâu, nên đối ngoại chưa đủ sức giữ vị trí tiên phong để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
 
 Mới đây, trên blog Tiếng Dân New đã đăng tải bài viết của Trân Văn “Đối ngoại như thế là…vì thế”. Bài viết là tập hợp hàng loạt luận điệu sai trái, không chính xác, hướng lái tiêu cực công tác đối ngoại của Việt Nam. Họ rêu rao “những nhân vật lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cùng xem đối ngoại là tập hợp những chiêu, trò vốn dĩ người tử tế không ai nghĩ tới và tất nhiên không ai làm”, “các viên chức ngoại giao và cơ quan ngoại giao Việt Nam chỉ nghe ra, nhìn thấy và rà trúng những yếu tố liên quan lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”… Cùng với đó, Trân Văn cũng xuyên tạc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị “đối ngoại của đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị” phải biết... “mềm nắn, rắn buông”. Người Việt chưa bao giờ xem “mềm nắn, rắn buông” là một lối ứng xử tử tế. Tiền nhân khái quát “mềm nắn, rắn buông” để lên án lối hành xử bất nhân, vô đạo nhưng ông Trọng lại công khai bày tỏ mong muốn hoạt động đối ngoại phải theo phương châm này!”. Đồng thời, xuyên tạc chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Sau Hội nghị Đối ngọai toàn quốc, khi trao quyết định phong hàm đại sứ cho 26 viên chức ngoại giao, ông Phúc dặn những viên chức này nói riêng và ngành ngoại giao nói chung phải phát huy vai trò... “tai, mắt”, “ăng ten””.  
 
Như chúng ta đã biết, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 . Những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.
 
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, quyết tâm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
 
Hơn 90 năm qua, công tác đối ngoại của Việt Nam được đẩy mạnh, các mối quan hệ song phương và đa phương được thiết lập và củng cố. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ. Việt Nam đã thực sự là bạn, là đối tác tin cậy,có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong các mối quan hệ, Việt Nam đều thể hiện sự chân thành, bảo đảm sự hài hòa trong lợi ích của các bên. Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại quan điểm xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là  “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân”. 
 
Vậy mà, trong bài viết, Trân Văn đã tráo trở, lập lờ, nhận định rằng “đối ngoại của đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị” phải biết... “mềm nắn, rắn buông”. Đây là sự bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng như thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; cố tình bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta. 
 
 Đặc biệt, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo những kết quả toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định với tất cả sự khiêm tốn “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.  
 
Đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của Nhân dân ta. Tính ra, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó, 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. 
 
Những con số trên cho thấy chính sách đối ngoại của Việt Nam hoàn toàn đúng đắn và chính xác. Việt Nam luôn thẳng thắn, chân thành trong quan hệ quốc tế; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Đồng thời, đây cũng là bằng chứng sinh động, thuyết phục đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những luận điệu sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.
 
LINH KIỀU