Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát công tác Quy hoạch trên địa bàn tỉnh

06:01, 12/01/2022
(LĐ online) - Chiều ngày 12/1, tại văn phòng UBND tỉnh, thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn đã có chương trình giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực trên địa bàn tỉnh. Cùng tham gia có các thành viên đoàn giám sát gồm: ĐBQH - Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh; ông Tôn Thiện Đồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát.
 
Cùng tham dự chủ trì buổi làm việc có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo sở Xây dựng, sở Tài Nguyên và môi trường, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt và các sở, ngành liên quan đã tham dự dự chương trình giám sát. 
 
Chương trình được thực hiện nhằm đánh giá công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Tiến độ triển khai thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 về: Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; tư vấn lập quy hoạch; Nội dung quy hoạch; hoạt động phối hợp của các cơ quan có liên quan; việc tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch; dự kiến thời gian trình thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện. 
 
Ông Nguyễn Tạo - Trưởng Đoàn Giám sát kết luận.
Ông Nguyễn Tạo - Trưởng Đoàn Giám sát kết luận.
 
Đại diện Sở Xây dựng đã báo cáo tóm tắt với Đoàn: Tỉnh Lâm Đồng đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai Luật Quy hoạch và triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực Hội đồng để tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật Quy hoạch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021 và 2022, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5807/KH-UBND ngày 16/8/2021 để triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và xác định lộ trình trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh.UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2021, thời hạn thực hiện 18 tháng.
 
Về công tác lập quy hoạch tỉnh: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2503/QĐ-UBND ngày 06/10/2021 phê duyệt dự toán lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự toán kinh phí thực hiện là 71.519 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn thực hiện đồ án, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiến hành lập quy hoạch, dự kiến trình thẩm định vào tháng 10/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022, đảm bảo phù hợp với tiến độ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
 
Thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề về những nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch.
Thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề về những nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch.
 
Mặc dù Luật quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã được cấp thẩm quyền ban hành, tuy nhiên quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh còn gặp vướng mắc, như: Tiến độ lập quy hoạch tỉnh chưa đáp ứng theo yêu cầu đặt ra. Hiện nay, hầu hết các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành chưa được phê duyệt; do đó, một số định hướng phát triển của một số ngành, lĩnh vực còn chưa đầy đủ.
 
Các thành viên đặt vấn đề việc lập, thẩm định phê duyệt, thực hiện quy hoạch cho tốt hơn. Nhất là trong việc lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức, cá nhân, cộng đồng, một số đồ án chưa nhận được sự thống nhất đồng thuận cao trong Nhân dân, lấy ý kiến nhưng phải có giải trình, tiếp thu cụ thể. Quy hoạch quản lý kiến trúc, quy hoạch quản lý theo đồ án quy hoạch, cắm mốc giới… còn hạn chế, còn xảy ra lấn chiếm xây dựng ngay các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch theo định kỳ. Báo cáo của UBND tỉnh cần sơ lược lại cái làm được, cái hạn chế, phân tích nguyên nhân hạn chế để có giải pháp khắc phục. Quan tâm quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, sửa đổi theo Luật đất đai như thế nào. Từ nguyên nhân khách quan, chủ quan có kiến nghị xác đáng, làm tốt hơn lĩnh vực này trong thời gian tới. 
 
 
Đại diện các sở: Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đoàn giám sát nêu. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ghi nhận, tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung yêu cầu của Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tổ chức lấy ý kiến Nhân dân - coi đây là khâu quan trọng nhằm hướng đến không để quy hoạch treo, tồn đọng, kéo dài… thực tế còn bất cập trong quản lý kiến trúc. Về nguồn lực quy hoạch xây dựng gặp nhiều khó khăn. Chất lượng tư vấn cũng còn bất cập. Việc thực thi quy định pháp luật còn nhiều hạn chế tồn tại gây nhiều khó khăn cho quản lý và đảm bảo quyền lợi của người dân. Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp báo cáo, làm rõ hơn những vấn đề tồn tại, nguyên nhân tồn tại đề báo cáo Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội theo quy định.
 
Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Tạo kết luận tại buổi làm việc: Việc triển khai công tác lập quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng còn chậm sau khi Nghị định và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ ban hành (tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ). Báo cáo chỉ nêu tồn tại, hạn chế chung chung, chưa vào trọng tâm các nội dung theo đề cương yêu cầu. Cụ thể, chưa nêu các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành (thẩm quyền ban hành; căn cứ pháp lý; việc tuân thủ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật; phạm vi áp dụng) về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Chưa phân tích tồn tại, hạn chế liên quan đến: Xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; lập dự toán (nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa (nếu có)), phân bổ kinh phí lập quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch (hình thức lựa chọn, thẩm quyền, quy trình, thủ tục lựa chọn); thực hiện các quy trình phối hợp giữa các cơ quan và lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch; mức độ đáp ứng các yêu cầu về nội dung quy hoạch; thẩm định quy hoạch… 
 
Báo cáo nêu 02 nguyên nhân với nội dung cơ bản: “Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới, văn bản hướng dẫn tháo gỡ các quy định chồng chéo các Bộ, ngành Trung ương chậm ban hành; quy trình thủ tục phức tạp”; báo cáo chưa nêu rõ các khó khăn, vướng mắc của các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về công tác quy hoạch và kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo Phụ lục 6 để Đoàn tổng hợp kiến nghị, tránh trường hợp nêu chung. Về trách nhiệm: Chưa báo cáo trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm để có hướng khắc phục trong thời gian tới.
 
Đoàn Giám sát đã ghi nhận thành quả của tỉnh nhà về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là rất chậm. Qua đối chiếu báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt có 15/22 quy hoạch phân khu kéo dài từ từ 3 năm đến 5 năm và công tác cắm mốc quy hoạch gặp nhiều khó khăn đến nay chỉ có 02/22 đồ án quy hoạch phân khu được duyệt tổ chức cắm mốc (hồ sơ quy hoạch phân khu trên thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Sở Xây dựng và UBND tỉnh). Theo báo cáo của UBND thành phố Bảo Lộc, đối với việc điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011 đến 2020 có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt. Trong đó 36/44 hồ sơ chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên, 34/44 hồ sơ chưa có ý kiến cộng đồng dân cư là chưa thực hiện đúng quy định.
 
Qua các nội dung đánh giá trên, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tổ chức đánh giá lại chất lượng và đối chiếu pháp lý liên quan đến hồ sơ thực hiện công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trong tỉnh theo quy định pháp luật; đồng thời xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan đến việc chưa thực hiện đúng quy định. 
 
NGUYỆT THU