Góp ý Luật Đầu tư công

11:01, 10/01/2022
(LĐ online) - Sáng ngày 10/01, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Nghe thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Chủ trì điều hành tại điểm cầu Lâm Đồng
Chủ trì điều hành tại điểm cầu Lâm Đồng.
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng tham dự và chủ trì có ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng; ĐBQH - Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh. Cùng tham dự có đại diện HĐND - Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài Chính, Cục Thuế, Cục Thi hành án dân sự, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
 
Các dự án luật được lấy ý kiền nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực.
 
Liên quan đến Luật Đầu tư công: Theo Điều 25 Luật Đầu tư công, các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công thì phải trình Thủ tướng Chính phủ 02 lần: xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản quyết định điều chỉnh. 
 
Từ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý, có thể thấy: Đối với các Chương trình, dự án nhóm A, thì việc thực hiện quy trình nêu trên là phù hợp, vì các dự án nhóm A có quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng, có tỷ lệ cho các địa phương vay lại cao và phải thực hiện theo các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ tại hiệp định với nhà tài trợ lớn (như Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB) được ký kết nhân danh Nhà nước theo Luật Điều ước quốc tế và cần theo thủ tục chặt chẽ để bảo đảm tuân thủ mục tiêu, định hướng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nội dung cam kết với nhà tài trợ và an toàn nợ công bền vững.
 
Đối với các Chương trình, dự án nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thường có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân) nếu thực hiện quy trình trên thì sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 03 lần (tính cả điều chỉnh) dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ dẫn đến việc phải gia hạn hiệp định.
 
Đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thường không nhiều, quy mô nhỏ, thực hiện theo hình thức cung cấp tư vấn, chuyên gia để chuẩn bị dự án đầu tư.
 
Toàn cảnh buổi họp trực tuyến kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh buổi họp trực tuyến kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
 
Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 và Điều 25 Luật Đầu tư công theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
 
Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: việc đẩy mạnh phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm đảm bảo đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.
 
Liên quan đến Luật Đấu thầu, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu thầu theo hướng: việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Hiện nay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đã quy định cụ thể nội dung này.
 
Các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải điều chỉnh các dự án luật cho phù hợp thực tiễn. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Có đại biểu góp ý Luật đầu tư đề nghị đến lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa. Nên tách luật di sản văn hóa với Luật Đầu tư. Tách riêng các dự án cấp bách với các dự án khác. Lợi dụng cản trở đấu thầu, đề nghị quy định bổ sung cụ thể về các hành vi vi phạm trong đấu thầu. Tiếp tục phân cấp phân quyền đối với dự án cấp huyện. Sửa đổi thẩm quyền phân cấp đầu tư…
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu, về cơ bản dự thảo các luật nêu trên đều bám sát vào chủ trương Đảng, nhằm khơi thông các tiềm năng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương. 
 
Buổi Chiều, Quốc hội Thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
NGUYỆT THU