Hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá công tác bảo đảm TTATGT năm 2021

03:01, 06/01/2022
(LĐ online) - Sáng 6/1, Uỷ ban ATGT quốc gia đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá công tác bảo đảm TTATGT năm 2021, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm ATGT năm 2022. Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị tại đầu cầu Thủ đô Hà Nội.
 
Đồng chí Đặng Trí Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
Đồng chí Đặng Trí Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Đặng Trí Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng.
 
Báo cáo tại hội nghị, Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết, trong năm 2021, tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Theo báo cáo nhanh của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/12/2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với 12 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%). 
 
Những kết quả đạt được theo nhận định của Uỷ ban ATGT quốc gia, về nguyên nhân chủ quan là sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình TTATGT và cấp độ phòng, chống dịch của cấp ngành; sự kết hợp hiệu quả giữa lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT với kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm ATGT và phòng dịch cho người dân buộc phải rời vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân; sự quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; kịp thời đưa vào vận hành ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QRCode, tổ chức luồng xanh vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa đồng thời bảo đảm kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19; chủ động xây dựng kế hoạch huy động phương tiện, người lái đáp ứng nhu cầu vận tải phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất kinh doanh, đón, đưa người dân từ vùng dịch về quê an toàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19. Ngành Y tế đã nỗ lực rất lớn để hoàn hành tốt nhiệm vụ chủ trì công tác phòng, chống dịch, cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 đồng thời làm tốt công tác cứu chữa, chăm sóc sức khoẻ cho nạn nhân TNGT… Về nguyên nhân khách quan là do trong năm 2021, đặc biệt là từ giữa tháng 6 đến nay, việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều địa phương dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2020.
 
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
 
Theo số liệu thống kê, năm 2021 có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7 địa phương giảm trên 30% số người chết là các tỉnh An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Đặc biệt, tỉnh An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình, trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế được hội nghị nêu ra như: mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; tình hình vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa tại một số địa phương; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương.
 
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nêu 8 giải pháp đảm bảo ATGT yêu cầu Uỷ ban ATGT quốc gia và các địa phương quan tâm thực hiện trong năm 2022, đó là đẩy mạnh tái cơ cấu lại hoạt động vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thuỷ và hàng không để giảm áp lực cho vận tải đường bộ; song song đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, kịp thời rà sóat và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn gây tai nạn giao thông; đa dạng và nâng cao chất lượng tuyên truyền về giao thông…
 
NGUYỄN NGHĨA