(LĐ online) - Ngày 27/1, Huyện uỷ Đam Rông đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
|
Nghị quyết 07 là cơ hội để Đam Rông bứt phá trên nhiều mặt |
Chương trình hành động được ban hành với mục đích tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong huyện để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 07-NQ/TU đã đề ra; lựa chọn những mục tiêu, khâu đột phá trọng tâm để tập trung chỉ đạo nhằm đạt được kết quả cao nhất; xác định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy với các nội dung, nhiệm vụ và vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, địa phương khắc phục mọi khó khăn, thử thách để thực hiện Nghị quyết.
Huyện Đam Rông phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thoát nghèo bền vững; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; Trung tâm Bằng Lăng và xã Đạ Rsal cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V. Đến năm 2030, Đam Rông là huyện phát triển trung bình của tỉnh; thu nhập và đời sống của người dân bằng bình quân chung của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nội huyện, Quốc lộ 27, Tỉnh lộ 722. Hoàn thành một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dọc Tỉnh lộ 722, 724 và khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng. Đến năm 2045, là huyện phát triển khá của tỉnh, tự cân đối được ngân sách; tỷ lệ đô thị hóa trên 40%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức khá.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện uỷ Đam Rông khẳng định: “Nghị quyết 07 là cơ hội để địa phương bứt phá trên nhiều mặt. Tuy nhiên, bứt phá tới đâu là do cách tổ chức, thực hiện của cả hệ thống chính trị địa phương”.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết huyện Đam Rông xác định 9 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, giữa hỗ trợ của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của địa phương; phát huy tối đa và hiệu quả các lợi thế, tiềm năng. Tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững; hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giữ rừng, phát triển rừng, khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản. Quản lý và thực hiện tốt quy hoạch; hoàn thiện hạ tầng đô thị và các tuyến giao thông đối ngoại trọng yếu. Áp dụng và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các cơ chế, chính sách an sinh - xã hội phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.
Để triển khai thực hiện Chương trình hành động này, Ban Thường vụ huyện uỷ Đam Rông đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Giao Đảng ủy các xã và các cấp ủy trực thuộc Huyện ủy xây dựng kế hoạch thực hiện. HĐND huyện cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động bằng các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các nghị quyết chuyên đề. UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện với từng nội dung cụ thể. Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hành động này và kế hoạch của cấp ủy, lĩnh vực phụ trách nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin