Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Luật Đầu tư công, Luật Điện lực

12:01, 06/01/2022
(LĐ online) - Sáng ngày 06/01, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ hai – kỳ họp bất thường lần thứ nhất để tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
 
Đại biểu Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công
Đại biểu Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự và chủ trì có đại biểu Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trường Đoàn chuyên trách; đại biểu Quốc hội – Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh cùng đại diện các phòng, ban, đơn vị liên quan cùng dự. 
 
Góp ý về dự án Luật đầu tư công, đại biểu Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Theo Điều 25 Luật Đầu tư công, các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Luật Đầu tư công thì phải trình Thủ tướng Chính phủ 02 lần: (i) xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và (ii) quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản quyết định điều chỉnh. Đối với các chương trình, dự án nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thường có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân) nếu thực hiện quy trình trên thì sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 03 lần (tính cả điều chỉnh) dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ dẫn đến việc phải gia hạn hiệp định. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý.
 
Chính phủ trình theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình và phương án do Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị phân cấp mạnh hơn và chỉnh lý lại bảo đảm chính xác hơn. Cụ thể: 
 
(1) Nhất trí với Dự thảo của Chính phủ về đẩy mạnh phân quyền từ thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sang thẩm quyền của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh đối với các dự án nhóm B và nhóm C sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm thống nhất với các dự án sử dụng vốn NSNN; 
 
(2) Việc phân quyền cần đảm bảo các nguyên tắc: tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, chính quyền cấp tỉnh; giảm thiểu thủ tục hành chính; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và an toàn nợ công; việc phân quyền trong điều chỉnh chủ trương đầu tư không được làm thay đổi phân loại dự án; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Chính phủ.
 
(3) Đề nghị cần phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương. Cụ thể là phân quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài:
 
Cần phân quyền mạnh cho HĐND cấp tỉnh, vì: bảo đảm tính thống nhất với các dự án sử dụng vốn NSNN; Khoản 6 Luật Đầu tư công năm 2019 đã phân cấp cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); Tạo sự chủ động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.
 
Theo đó, đại biểu Trần Đình Văn đề xuất sửa cụ thể: Về bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33.  Nhất trí với bổ sung việc quy định Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sau khi phê duyệt đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là hoàn toàn cần thiết. Trên cơ sở này, cơ quan chủ quản có thể thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn một cách hiệu quả. 
 
Tuy nhiên, đề xuất nên có thêm điều khoản quy định rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn cũng như cách thức để Thủ tướng Chính phủ tiến hành thủ tục thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài này.
 
Về sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Trần Đình Văn cơ bản nhất trí với phương án trình:  Nhất trí với việc sửa đổi Điều 2 của Dự thảo lần này, theo đó “Dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng một hoặc các nguồn vốn sau: vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý; vốn vay ODA; vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”. Quy định như vậy sẽ rõ ràng trong việc Dự án chỉ sử dụng vốn vay ODA; Dự án chỉ sử dụng vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Cần phân quyền mạnh hơn nữa đối với cả các dự án tương đương nhóm A về cho HĐND cấp tỉnh như đối với Luật Đầu tư công.
 
ĐBQH – Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý về Luật Điện lực
ĐBQH – Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý về Luật Điện lực
 
Liên quan đến Luật điện lực, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ quan điểm tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi Luật Điện lực với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như Tờ trình của Chính phủ, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều khác có liên quan trong Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi; Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị sửa đổi toàn diện, tổng thể Luật Điện lực theo kế hoạch. Về giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện, việc thu hồi chi phí của nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT, theo đó, “Chi phí đấu nối đặc thù được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ và được đưa vào chi phí mua điện trong tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Do đó, đối với trường hợp nhà đầu tư đầu tư đường dây truyền tải nhưng không đầu tư nhà máy điện thì không thể thu hồi chi phí theo cách này mà phải thông qua giá truyền tải điện. Hiện nay, giá truyền tải điện áp dụng thống nhất toàn quốc không phụ thuộc vào khoảng cách truyền tải điện và điểm giao nhận điện; được xác định hàng năm theo nguyên tắc nhất định. Vì vậy, để thu hút các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, cần xem xét sửa đổi quy định về giá điện và các loại phí có liên quan đến hoạt động điện lực. Do đó, đề nghị Chính phủ có phương án sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên quan về giá, phí gửi kèm hồ sơ dự án Luật.
 
Buổi chiều các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
 
NGUYỆT THU