Bản lĩnh của một Đảng cầm quyền

06:01, 27/01/2022
Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Đó là lời khẳng định, sự nhắc nhở mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân luôn ghi nhớ và thực hiện. 
 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: H.Hải
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: H.Hải
 
Bởi vì, khi một Đảng duy nhất cầm quyền, ở đỉnh cao quyền lực, rất có thể nội bộ Đảng dễ nảy sinh những trì trệ, thậm chí sai lầm nếu đảng giáo điều, không phát huy và mở rộng dân chủ, không lắng nghe phản ánh từ Nhân dân, không tiếp thu các ý kiến phản biện của các tầng lớp Nhân dân. Rất có thể do cầm quyền trong thời gian dài, đảng tự xây cho mình một “tháp ngà” và tự tách biệt mình với quần chúng Nhân dân. Nghiêm trọng hơn, chính điều đó nảy sinh quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực, thậm chí độc đoán, chuyên quyền, dần đánh mất lòng tin của Nhân dân. Điều này cũng đã từng xảy ra ở một số đảng dẫn đến kết cục đảng không cầm quyền được nữa, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho quốc gia, cho dân tộc. 
 
Vì thế, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được đề cập trong rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định cũng như Cương lĩnh và văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị... Quan điểm nhất quán của Đảng ta về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây” và “chống”; trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và những biểu hiện sai lầm, sự nguy hại dẫn đến nguy cơ đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ nên Đảng ta đã tiến hành rất nhiều đợt chỉnh đốn và chỉnh huấn Đảng; trong đó có ba lần đã trở thành những cột mốc lịch sử đáng nhớ, thể hiện bản chất vững vàng của một Đảng cầm quyền khi đã sớm nhìn nhận ra những hạn chế, khuyết điểm cũng như những khuyết tật của nó. 
 
Đó là cuộc chỉnh huấn sau khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã viết tác phẩm: “Sửa đổi lề lối làm việc”. Đây là, tác phẩm rất quan trọng có tính chất kinh điển về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cũng là lần đầu tiên Người dùng từ “chỉnh đốn Đảng”. Từ đó, chỉ ra những khuyết điểm của một số đồng chí cán bộ vừa nắm giữ các chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước đã tỏ ra lạm quyền, tư túi, tham ô, hủ hóa, chia rẽ, bè phái, kiêu ngạo, coi thường dân nghèo… Sau đó bị kiểm điểm và thi hành kỷ luật một cách nghiêm túc đã làm cho cán bộ, đảng viên sớm tỉnh ngộ, nội bộ được đoàn kết và tinh thần chiến đấu càng được nâng cao. Tiếp đến, đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra ngay sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã vào cuối năm 1991. Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (tháng 2 năm 1992) đã ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; trong đó, chỉ ra những khuyết điểm đã trở thành những nguy cơ không thể xem thường, nổi bật là một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin; một số đồng chí chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đi con đường khác. Thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân, thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng, ăn chơi hưởng lạc... Cùng với việc triển khai nhiều chủ trương, giải pháp lớn để chỉnh đốn Đảng, Trung ương đã coi trọng xây dựng đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch của cán bộ, đảng viên trong điều kiện cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, tệ làm ăn gian dối, lối sống xa hoa, hưởng lạc...
 
Lần chỉnh huấn thứ hai kể từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Trung ương triển khai Nghị quyết số 10 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng CNXH hiện nay”. Sự ra đời của Nghị quyết nói trên đã để lại dấu ấn vô cùng đậm nét về bản lĩnh vững vàng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng Đảng ta từng bước trong sạch, vững mạnh, góp phần đáng kể trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới cũng như xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
 
Đến lần chỉnh huấn thứ ba, Đảng ta tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị rất cao, tiến hành một cách bài bản bằng nhiều quy định, quy chế phù hợp, có tính khả thi cao, lại diễn ra liên tục trong suốt ba nhiệm kỳ XI, XII, XIII, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà nguyên nhân cơ bản sâu xa bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Tiếp đến, hai Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII đã ban hành thêm nhiều nghị quyết: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng cũng như hệ thống chính trị. 
 
Có thể khẳng định rằng, chưa có một đảng cầm quyền nào trên thế giới lại kiên trì và kiên quyết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách liên tục, mạnh mẽ, kiên quyết như Đảng ta. Ngoài nhận thức đúng và trúng về sự nguy hiểm của những hạn chế, yếu kém, thậm chí là những mặt trái rất nguy hiểm của một đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam còn thể hiện được bản lĩnh vững vàng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang. Trong giai đoạn 2013 - 2020, đã thi hành kỷ luật hơn 13 vạn cán bộ, đảng viên, thi hành kỷ luật 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng… Đây là việc làm chưa hề có tiền lệ kể từ khi thành lập Đảng đến nay. Ngoài ra, Đảng ta còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là nhiệm vụ, là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, để từ đó ngăn chặn cái ác, cái xấu, lan tỏa cái tốt đẹp trong hành trình xây dựng con người mới, xã hội mới - XHCN. Chưa bao giờ công tác kiểm tra, giám sát cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả như những năm vừa qua, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Nhân dân và dư luận quốc tế ngày càng tin tưởng hơn vào hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện. Thực tiễn nói trên càng khẳng định một chân lý rằng ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác. 
 
Với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị lại được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định Đảng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII. Qua đó, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng với trọng trách là một Đảng cầm quyền, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam.
 
NGUYỄN MẬU SIỆC