Ngành Nội vụ: ''Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả''

06:01, 12/01/2022
(LĐ online) - Ngày 12/1, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Bộ Nội vụ tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội và các điểm cầu các tỉnh thành ngành trong cả nước.
 
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các sở, ngành liên quan tại các điểm cầu trên cả nước. 
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự hội nghị có đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ, lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh. 
 
Với phương châm “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2021, Bộ Nội Vụ đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. 
 
Năm qua, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận, trả lời theo thẩm quyền 550 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin của Bộ Nội vụ; 55 kiến nghị, đề xuất qua Ban Tổ chức Trung ương; tiếp nhận, trả lời 270 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước bảo đảm công khai và minh bạch. 
 
Đặc biệt, ngay từ cuối năm 2020 và những ngày đầu năm 2021, toàn ngành Nội vụ đã tập trung cao độ tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
 
Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu, đề xuất Chính phủ trong công tác phân quyền quản lý nhà nước đối với 12 ngành, lĩnh vực; 8 ngành, lĩnh vực cần hoàn thiện các quy định về phân cấp giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ; 15 ngành, lĩnh vực cần hoàn thiện các quy định về phân cấp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương. 
 
Bộ cũng thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và huyện trong nước; sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, ngành. Đến nay cả nước đã giảm 7 tổ chức chuyên môn cấp tỉnh, 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; giảm 451 phòng chuyên môn thuộc cấp huyện. Trong giai đoạn 2019-2021 cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.
 
Ngành Nội vụ cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm biên chế công chức và số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 71-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời tham mưu để cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội. 
 
Cùng đó, Bộ Nội vụ cũng tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đơn giản về thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức; hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, vững mạnh, phát huy tinh thần trách nhiệm. 
 
Công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng được Bộ triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong năm, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công tác thanh tra, kiểm tra và pháp chế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm qua, Bộ Nội vụ đã thực hiện các cuộc thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; tiến hành kiểm tra 739 văn bản quy phạm pháp luật của 63 tỉnh, thành. 
 
Công tác thi đua, khen thưởng đến nay đã ngày càng hướng đến tính thực chất; biểu dương, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức; việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng, tăng cường, hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật, gắn bó với dân tộc; lĩnh vực văn thư, lưu trữ ngày càng được quan tâm đầu tư để bảo đảm an toàn và phát huy được giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia; công tác quản lý hội, quỹ và tổ chức Phi chính phủ từng bước đi vào nền nếp...
 
Năm 2022, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, khắc phục những tồn tại, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, tranh thủ thời cơ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các lĩnh vực công tác của toàn ngành. 
 
Theo đó, Bộ Nội Vụ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh thẩm định thành lập các đơn vị hành chính đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. 
 
Bộ Nội Vụ cũng tiếp tục tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC đến năm 2030; đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vận động các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo tham gia tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và toàn ngành Nội vụ, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh. 
 
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu, nêu nhiều vấn đề mà ngành Nội vụ cần tập trung thực hiện như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; thúc đẩy CCHC; đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm; đổi mới tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; vấn đề phân cấp, phân quyền; về tổ chức chính quyền đô thị; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại và hạn chế của ngành Nội vụ như công tác xây dựng thể chế, chính sách có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu đề ra, song chưa gắn kết chặt chẽ với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập.
 
Thủ tướng cũng chỉ rõ, ngành Nội vụ có vai trò quan trọng trong xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, vì Nhân dân phục vụ. 
 
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị; phối hợp xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
 
Thủ tướng cũng nhắc nhở cần sớm hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC; tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ; cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng Chính phủ số, Chính quyền số gắn với phát triển mạnh Kinh tế số, Xã hội số.
 
VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH