Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

07:01, 07/01/2022
(LĐ online) - Chiều 7/1, tại thành phố Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo”, nhằm đánh giá thực trạng công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; qua đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
 
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Các đồng chí chủ trì hội thảo
 
Hội thảo với sự chủ trì của các đồng chí: Đinh Thị Mai - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng. Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, Mặt trận TQVN tỉnh, các sở ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; Báo Lâm Đồng, Đài PTTH tỉnh, lãnh đạo các Huyện ủy, Thành ủy, Ban Tuyên giáo các địa phương trong tỉnh.
 
Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Ánh – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc và tôn giáo. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt. Thời gian qua, thực hiện chính sách dân tộc nhất quán của Đảng với những nội dung cơ bản “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Ánh – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo đề dẫn hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo đề dẫn hội thảo
 
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về vấn đề tôn giáo, công tác tôn giáo; chỉ đạo có hiệu quả công tác tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo đạt nhiều kết quả tích cực; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo… qua đó, góp phần củng cố, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung chưa đạt như mong muốn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; khoảng cách so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; quản lý công tác tôn giáo có lúc, có nơi còn chủ quan, buông lỏng; các hội nhóm tà đạo, hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi xuất hiện nhiều trên mạng xã hội…
 
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
 
Những năm qua, công tác tuyên truyền đã tham gia tích cực công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc giáo dục, động viên, cổ vũ đồng bào các dân tộc, tôn giáo phát huy tinh thần đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. 
 
Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh có 7 tôn giáo với gần 800 ngàn tín đồ, chiếm 60% dân số. Những năm qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc, tôn giáo, xem việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó dành nhiều sự quan tâm cho công tác tuyên truyền. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo được triển khai hiệu quả; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, có đạo được quan tâm bồi dưỡng; an ninh tôn giáo được bảo đảm… là điều kiện quan trọng để Lâm Đồng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Thực trạng công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, kết quả triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; Thực trạng công tác tuyên truyền dân tộc, tôn giáo, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, lực lượng trực tiếp làm công tác tuyên truyền dân tộc, tôn giáo, bài học kinh nghiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền và những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất giải pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền dân tộc, tôn giáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền dân tộc, tôn giáo thời gian tời. Qua đó, góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 
 
TUẤN HƯƠNG