Thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

04:01, 06/01/2022
(LĐ online) - Chiều ngày 06/01/2022, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
 
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham  gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đã bày tỏ: Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi “Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ, tôi xin đề cập một số nội dung sau:
 
Thứ nhất về phạm vi đầu tư: Theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, đã và đang đề xuất đầu tư 2.036 km còn 27km chưa đề xuất  (gồm tuyến Hòa Liên – Túy Loan 12 km và tuyến Cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu 2 đầu cầu, do đó đề nghị bổ sung giải trình, lý do chưa đầu tư và ảnh hưởng đầu mối kết nối khai thác quá trình vận hành toàn tuyến qua 2 đô thị loại I là thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ.
 
Thứ hai về quy mô đầu tư xây dựng mặt cắt ngang tuyến đường: Đề xuất giảm ngân sách 50.000 tỷ khi đầu tư 02 làn xe dừng khẩn cấp dành cho đường cao tốc giai đoạn này và phân kỳ đầu tư đợt sau cần phải nghiên cứu tính khả thi bởi đội giá đầu tư do trượt giá và gây lãng phí nguồn lực, nguồn tài nguyên khi thực hiện 2 lần kết cấu phủ bền mặt bảo vệ phần nền hạ đường (lần 1 là tuyến 4 và 6 làn xe và lần 2 là 02 làn xen dừng khẩn cấp của đường cao tốc).
 
 Thứ ba về phương án thiết kế sơ bộ: thống nhất việc Chính phủ hoàn chỉnh hướng tuyến của Dự án để các địa phương chủ động trong việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp, đều đó sẽ phát huy cao tính chủ động, tính năng động và chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư công của chính quyền của  một địa phương và tính liên kết với các địa phương lân cận, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trước Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị báo cáo cần xác định chính xác hướng tuyến trước thời điểm trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án do ảnh hưởng đến việc xác định tổng mức đầu tư và nhu cầu vốn cho Dự án và từng dự án thành phần, làm rõ hướng tuyến gắn với các khu đô thi, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, trung tâm logictics... để làm rõ hơn hiệu quả của Dự án.
 
Cuối cùng là về lựa chọn công nghệ: báo cáo cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu với các đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, lưu ý các khu vực quốc phòng an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia; bổ sung các giải pháp tránh gây ngập úng, sạt lở ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ đối với các đoạn đi qua các tỉnh miền Trung; bố trí các đường gom, hầm chui dân sinh hợp lý để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh vùng Dự án.
 
Tiếp tục góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý: Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa của Vùng đồng bằng sông Cửu Long; mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của nước ta thì Quốc hội khóa XIV đã có cơ chế chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mới đây nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết đặc thù đối với thành phố Hải Phòng. Tôi thống nhất cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để thể chế hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Qua đây, đề nghị Quốc hội cần tiếp tục xem xét, bổ sung một số vấn đề cụ thể như sau :
 
Thứ nhất, trong năm 2021, mức thu ngân sách nhà nước của thành phố Cần Thơ đạt 12.940 tỷ đồng, thấp hơn so với 04 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại như: Thành phố Hồ Chí Minh 364.894 tỷ đồng; thành phố Hà Nội 263.315 tỷ đồng; thành phố Hải Phòng 94.507 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng 20.070 tỷ đồng; như vậy, nguồn lực đầu tư của thành phố Cần Thơ phải cao hơn các thành phố khác để đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã áp dụng tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo thành phố Cần Thơ sẽ là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là một trong 5 đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, để Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, mà còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. 
 
Tôi cơ bản nhất trí với quy định thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tuy nhiên, không riêng gì các thành phố được hưởng chính sách đặc thù, đối với các tỉnh có dư địa phát triển thị trường bất động sản cũng cần phát hành trái phiếu chính quyền địa phương góp phần tạo dư địa để các tỉnh có thể huy động tối đa nguồn lực; thúc đẩy đột phá trong phát triển; tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động huy động vốn qua các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn công.
 
Thứ hai, đối với luồng hàng hải Định An - Sông Hậu nối từ Định An (Trà Vinh) qua Đại Ngãi (Sóc Trăng), TP Cần Thơ, TP Long Xuyên đến Châu Đốc (An Giang) có chiều dài toàn tuyến 234,7km. Dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu do Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư được thông luồng năm 2017, tuy nhiên thực tế, tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới này, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải; năng lực vận tải biển bị hạn chế so với tiềm năng, đa phần hàng hóa ở miền Tây xuất nhập khẩu vẫn qua các cảng ở Đông Nam Bộ; nguyên nhân chính do luồng Định An và luồng Quan Chánh Bố tỷ lệ bồi lấp rất lớn, tỷ lệ bùn trong cát khai thác tại luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là tương đối cao (nhiều khu vực tỷ lệ bùn – cát là 70%-30%) . Đây là dự án nạo vét liên quan đến nhiều địa phương, thiết nghĩ chính sách đặc thù cần tính toán áp dụng cho cả tuyến chứ không riêng gì thành phố Cần Thơ vì nếu không sẽ gây lãng phí rất lớn.
 
Thứ ba, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ thì phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Vùng đồng bằng sông Cửu Long đều được cung ứng cho thị trường ngoài vùng và phục vụ cho xuất khẩu; tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có công nghệ sau thu hoạch; kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống logistics vẫn chưa đồng bộ; giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia… và đang dần mất đi những lợi thế phát triển về nông nghiệp lý do là phần lớn các hộ nông dân chỉ tập trung vào khâu sản xuất, không có kho trữ, ít vốn, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro, luôn trong tình trạng “được mùa, rớt giá”. Do đó, việc đề xuất thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ với ưu đãi đặc thù, vượt trội là cần thiết và cấp bách để tận dụng các cơ hội về cắt giảm thuế của các thị trường trong các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA; tăng cường tính kết nối, đồng bộ, gắn kết với các trung tâm logistics theo quy hoạch. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm về các quy định đặc thù về thuế và hải quan tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Nghị quyết và có đánh giá tác động cụ thể đối với vấn đề này, nhất là tác động về ngân sách nhà nước; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.
 
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.
 
NGUYỆT THU