(LĐ online) - Chiều 10/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiến hành thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tại điểm cầu Lâm Đồng tham dự và chủ trì có ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, ĐBQH - Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh. Cùng tham dự có đại diện HĐND - Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan, chuyên viên và lãnh đạo văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh cùng dự.
|
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng |
Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua xác định: “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông..., nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu…”.
Trên hành lang vận tải Bắc - Nam, tuyến Quốc lộ 1 đã được mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên kết nối xuống miền Đông Nam Bộ đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, ngay từ bước chủ trương đầu tư đã xác định việc mở rộng Quốc lộ 1 chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt. Với đặc điểm đi qua nhiều khu đông dân cư (chiếm khoảng 48,7% tổng chiều dài), lưu thông hỗn hợp với các phương tiện thô sơ, chủ yếu là giao cắt cùng mức, tốc độ khai thác trung bình khoảng 40 - 60 km/h... nên Quốc lộ 1 chỉ có ưu thế vận tải với cự ly ngắn, tính chất nội vùng.
Do vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.
Các đại biểu cơ bản bày tỏ quan điểm thống nhất, việc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
Các đại biểu bày tỏ đồng tình với Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường Bnền = 17 m), toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật khác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (tương tự quy mô phân kỳ phần lớn các dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2017).
Dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư bình quân trên 10.000 tỷ đồng/dự án. Thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn từ thu phí trên đầu phương tiện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh thu của dự án có thể bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố như: tốc độ phát triển kinh tế - xã hội không đạt so với dự báo, việc triển khai các quy hoạch có liên quan không đúng lộ trình, phát sinh đầu tư các tuyến đường song hành của địa phương… Chính vì vậy, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá các dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phương thức PPP vẫn là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều mai 11/1, Quốc hội họp phiên bế mạc sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin