Thổi luồng khí thế mới vào nghị trường

06:01, 27/01/2022
Năm 2021 khép lại với nhiều dấu ấn thể hiện sự đổi mới, ban hành quyết sách kịp thời, hợp lòng dân của Quốc hội, của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng. Những hoạt động tại các kỳ họp trực tiếp, trực tuyến, bất thường… khóa XV thể hiện tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, hiệu quả mà Quốc hội mang lại. Đặc biệt, các chính sách tài khóa - tiền tệ, phục hồi kinh tế, chính sách an sinh xã hội cho thấy Quốc hội, Chính phủ, địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân vượt khó trong đại dịch. Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh về nội dung này.
 
Quang cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
 
  PV: Thưa ông, với tư cách là Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong năm qua, nhất là từ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, khóa XV?
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo.
•  Ông Nguyễn Tạo: Kết quả kỳ họp thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị từ sớm giữa Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp khóa XV đã khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan luôn thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân. Không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo để phát triển nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.
 
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Thông qua 4 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 
 
•  PV: Xin ông cho biết kết quả cụ thể của Quốc hội khi đã ban hành một số nghị quyết có trọng tâm, phù hợp thực tiễn và được cử tri, Nhân dân ghi nhận? 
 
•  Ông Nguyễn Tạo: Kỳ họp đã hoàn thành, thể hiện được vai trò, ý nghĩa lịch sử của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri. Các cơ quan của Chính phủ thể hiện tính chủ động đề xuất với Quốc hội các nội dung mà các ĐBQH hết sức trách nhiệm, đóng góp tâm huyết, qua đó 4 nghị quyết đã hoàn thành tốt. Cử tri, Nhân dân và các đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm đáp ứng, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của đất nước trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Cử tri, Nhân dân và các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng tin tưởng và kỳ vọng vào hiệu quả các chính sách mới được ban hành, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong giai đoạn mới.
 
Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp được các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng quan tâm đóng góp ý kiến là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo quan điểm của đại biểu Trần Đình Văn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cần có sự điều hành, phối hợp tốt hơn nữa giữa giải pháp “tài khóa” với giải pháp “tiền tệ”.
 
Đúng như tinh thần của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết này; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; chú trọng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, trục lợi chính sách, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực lớn trong khoảng thời gian ngắn. 
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Đặc biệt, coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của cả hệ thống chính trị.
 
•  PV: Với quyết tâm theo đuổi đến cùng sự việc, vấn đề liên quan đến địa phương và người dân Lâm Đồng, ông có thể cho biết vài nét cơ bản về kết quả trong lĩnh vực này của Đoàn và của các ĐBQH tỉnh nhà?
 
•  Ông Nguyễn Tạo: Trong nhiệm kỳ khóa XIV, nhiều dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh nhà đã mang lại niềm tin cho cử tri và Nhân dân, thể hiện vai trò hoạt động của Quốc hội gắn bó mật thiết với cử tri. Đặc biệt, đã thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Qua kỳ họp thứ nhất, thứ hai, kỳ họp bất thường đã cho thấy hoạt động Quốc hội khóa XV có nhiều quyết sách kịp thời. Vai trò Quốc hội gắn với cử tri, đặc biệt, trong năm 2021 thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo tinh thần Nghị quyết 12, ổn định phát triển kinh tế, linh hoạt trong điều hành…, hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng và các ĐBQH đã phát huy rất tốt, tăng cường lắng nghe, kết nối với cử tri, tăng cường đối thoại, gặp gỡ tiếp xúc cử tri thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 tại mỗi đợt trước, trong và sau kỳ họp. Dưới sự phân công khoa học của đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn, từng ĐBQH tỉnh đã phát huy được thế mạnh của mình qua mỗi kỳ họp. Rất nhiều ý kiến của Lâm Đồng đã được ban soạn thảo tiếp thu.
 
Kịp thời lắng nghe cơ quan y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch về những giải pháp cấp bách, đến nay Lâm Đồng đã thực hiện độ phủ vắc xin cho toàn dân Lâm Đồng. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Đoàn ĐBQH... 
 
Có việc phải đi đến cùng và đeo bám, đó là khắc phục cái tồn tại, đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật như các tuyến đường giao thông huyết mạch đến Lâm Đồng. Làm sao để giao thông phát triển mới đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, xây dựng kinh tế - xã hội. Ví dụ như tiếp tục kiến nghị về Quốc lộ 27 bằng những cơ chế, chính sách phù hợp để làm sao tuyến đường từ Đắk Lắk tới địa bàn Lâm Đồng được đầu tư xây dựng hoàn thành. Các tuyến nối Trường Sơn Đông với Quốc lộ 27, như tuyến đường 722 đi Đưng K’Nớ với 3 xã của huyện Đam Rông… để phát huy hiệu quả tốt nhất của tuyến đường Trường Sơn Đông. Hay như Quốc lộ 28B, đầu tư nâng cấp đẩy nhanh tiến độ để các tuyến đường nối liền Quốc lộ 20 với Quốc lộ 1... Dự kiến đến năm 2025 sẽ tạo diện mạo mới về giao thông cho Lâm Đồng. Cùng đó, Đoàn sẽ tiếp tục xin cơ chế chính sách để đẩy nhanh tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và hiện nay đã có chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025 cho tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định khởi động tuyến cao tốc đi Thành phố Hồ Chí Minh lên Dầu Giây - Liên Khương, như thế sẽ góp phần hoàn thiện sớm các công trình dự án trọng điểm cấp quốc gia, mà Lâm Đồng và người dân nói chung sẽ được thụ hưởng. Từ đó, mở ra cánh cửa mới lưu thông hàng hóa, xúc tiến đầu tư du lịch - thương mại, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh và xứng tầm.  
 
•  PV: Xin cám ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn trên Báo Lâm Đồng!
 
NGUYỆT THU (Thực hiện)