Tiếp tục thảo luận phục hồi phát triển kinh tế và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

05:01, 07/01/2022
* ĐBQH Nguyễn Tạo đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ
 
(LĐ online) - Chiều 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự phiên thảo luận có ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, ĐBQH – Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh, cùng tham dự có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các sở ngành, đơn vị liên quan.
 
Đây là chương trình có quy mô đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tránh lãng phí nguồn lực, gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cấp ủy, chính quyền các cấp với kết quả thực hiện; thời gian thực hiện chủ yếu trong 02 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả, có khả năng hấp thụ nhanh, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực hợp lý, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm công khai, minh bạch. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở trong tổ chức thực hiện.
 
Đây là hướng đi đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực  tiễn. Trong phiên buổi chiều,  đại biểu kiến nghị các giải pháp, bố trí nguồn vốn trung ương cho xử lý  rác thải, chất thải.Nâng cao năng lực y tế, hỗ trợ doanh nghiệp, lao động…Với 365 ý kiến phát biểu xoay quanh cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ, phục hồi KT - XH, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi chính sách, cân đối vĩ mô, phát triển bền vững.
 
Đại biểu Nguyễn Tạo – PHó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Tạo – PHó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
 
Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trong phiên buổi chiều,  Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng nhấn mạnh: Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa của Vùng đồng bằng sông Cửu Long; mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương của nước ta thì Quốc hội khóa XIV đã có cơ chế chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mới đây nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết đặc thù đối với thành phố Hải Phòng. Tôi thống nhất cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để thể chế hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Qua đây, đề nghị Quốc hội cần tiếp tục xem xét, bổ sung một số vấn đề cụ thể như sau:
 
Thứ nhất, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng hiện đã chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm; theo Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thì thành phố Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện đề án trong giai đoạn 1 (2021 – 2025); như vậy, để Cần Thơ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong trong cải tạo, nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế thì nguồn lực đầu tư của thành phố Cần Thơ phải đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã áp dụng tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan toả tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng.
 
Tôi cơ bản nhất trí với quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hecta theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”; quy định này sẽ tăng quyền chủ động của chính quyền địa phương, tăng diện tích từ đất trồng lúa sang dịch vụ thương mại theo yêu cầu phát triển của thành phố; việc đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp sẽ tăng thu ngân sách bền vững cho thành phố Cần Thơ như các thành phố trực thuộc Trung ương khác đó là thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng (bởi lẽ thu ngân sách hàng năm của thành phố Cần Thơ còn quá thấp so với yêu cầu là trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long). Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
 
Thứ hai, đối với luồng hàng hải Định An - Sông Hậu nối từ Định An (Trà Vinh) qua Đại Ngãi (Sóc Trăng), TP Cần Thơ, TP Long Xuyên đến Châu Đốc (An Giang) có chiều dài toàn tuyến 234,7km. Dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu do Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư được thông luồng năm 2017, tuy nhiên thực tế, tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới này, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải; năng lực vận tải biển bị hạn chế so với tiềm năng, đa phần hàng hóa ở miền Tây xuất nhập khẩu vẫn qua các cảng ở Đông Nam Bộ như: Sài Gòn, Thị Vải, Cái Mép…; nguyên nhân chính do luồng Định An và luồng Quan Chánh Bố tỷ lệ bồi lấp rất lớn, tỷ lệ bùn trong cát khai thác tại luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là tương đối cao. Đây là dự án nạo vét liên quan đến nhiều địa phương, thiết nghĩ chính sách đặc thù cần tính toán áp dụng đầu tư cho cả tuyến chứ không riêng gì thành phố Cần Thơ vì nếu không sẽ gây lãng phí rất lớn.
 
Thứ ba, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ thì phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Vùng đồng bằng sông Cửu Long đều được cung ứng cho thị trường ngoài vùng và phục vụ cho xuất khẩu; tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có công nghệ sau thu hoạch; kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống logistics vẫn chưa đồng bộ; giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước láng giềng… và đang dần mất đi những lợi thế phát triển về nông nghiệp lý do là phần lớn các hộ nông dân chỉ tập trung vào khâu sản xuất, không có kho dự trữ lớn, vốn đầu tư ít, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro, luôn trong tình trạng “được mùa, rớt giá”. Do đó, việc đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ với ưu đãi đặc thù, vượt trội là cần thiết và cấp bách để tận dụng các cơ hội về cắt giảm thuế của các thị trường trong các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA; tăng cường tính kết nối, đồng bộ, gắn kết với các trung tâm logistics theo quy hoạch để phát triển bền vững kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 
 
Ngày 10-01-2022, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
 
NGUYỆT THU