(LĐ online) - Sáng 17/02, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học các địa phương.
Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông - Vận tải, Văn phòng Chính phủ…Tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế và các đơn vị liên quan. Điểm cầu tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND Đặng Trí Dũng chỉ trì, tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp |
ĐÃ CÓ 54/63 TỈNH, THÀNH PHỐ TỔ CHỨC DẠY HỌC TRỰC TIẾP
Sau phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo tình hình học sinh trở lại học trực tiếp say Tết Nguyên đán năm 2022 trên cả nước. Bộ trưởng cho biết, đến ngày 16/02/2022, tỷ lệ học sinh học trực tiếp trên toàn quốc đạt 93,71% (Mầm non 85,71%; Tiểu học 93,65%; THCS 94,41% và THPT 99%). Kế hoạch từ ngày 21/02/2022 sẽ có 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ học trực tiếp; 63/63 tỉnh thành phố cho học sinh tiểu học, THCS và THPT học trực tiếp. Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Kim Sơn cũng đã nêu một số đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố.
Hội nghị cũng nghe báo cáo tình hình triển khai, tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp trong các cơ sở giáo dục của một số tỉnh và thành phố. Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan và Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội phát biểu ý kiến nhằm góp phần triển khai tổ chức việc dạy học trực tiếp ngày càng có chất lượng, hiệu quả và an toàn hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc đi học của trẻ là rất quan trọng, không phải chỉ khi có dịch mà cả khi không có dịch. Trẻ ở nhà trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường; không chỉ về văn hóa, kiến thức, mà tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến các nhân lực lao động (ông bà, cha mẹ chăm nuôi), từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại tinh thần phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, với phương châm thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất trên tòan quốc nhưng không phải cứng nhắc. Phó Thủ tướng đồng thời lưu ý đầu tiên đến việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Cùng với đó, chấp nhận thực tế trẻ đi học đồng loạt thì ca nhiễm tăng; quan trọng là kiểm soát được tốc độ lây lan, có phương án xử lý ca nhiễm F0, F1 hợp lý; đặc biệt là hướng dẫn điều trị liên tục cập nhật. Riêng trẻ em chưa sử dụng được thuốc kháng virus, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các loại thuốc có thể sử dụng trên tinh thần công khai, minh bạch. Mặt khác, đề nghị Bộ Y tế cần sớm có văn bản về việc xét nghiệm trong trường học, việc này có bắt buộc không, xét nghiệm trong trường hợp nào, tần suất bao nhiêu. Với trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề sức khỏe thì cụ thể thế nào - cần rất chi tiết, không chung chung. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có ý kiến chính thức về vấn đề tổ chức học bán trú…
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trí Dũng chủ trì điểm cầu tại UBND tỉnh Lâm Đồng |
LÂM ĐỒNG TIẾP TỤC CHỦ ĐỘNG MỞ CỬA TRƯỜNG DẠY HỌC TRỰC TIẾP
Đối với tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, toàn ngành có 686 đơn vị trường học (MN: 231, TH: 226, THCS: 157, THPT: 59, GDTX tỉnh: 01, GDNN-GDTX: 11, CĐSP: 01), giảm 17 trường; học sinh: 331.667 IN: 60.548, TH: 134.739, THCS: 90.096, THPT: 43.728, GDTX và GDNN-GDTX: 1.965, CĐSP: 651); CBQL, GV: 22.118 (CBQL: 1.628, GV: 17.652, NV: 2.785); trong đó ngoài công lập với số trường: 64 (MN: 59, TH: 2, THPT: 3); học sinh là 17.949 (MN: 15342, TH: 856, THCS: 293, THPT: 1.458). Đến nay, có 99.5% CCVC, 80.77% HSSV đã tiêm chủng đủ 02 mũi trở lên và tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho CCVC, HSSV trong toàn ngành. Lâm Đồng đã triển khai dạy học học kỳ 2 năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên trên địa bàn tỉnh từ ngày 07/02/2022.
Đến ngày 15/02/2022, 12/12 huyện, thành phố của Lâm Đồng đã triển khai dạy học trực tiếp, tỉ lệ trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên đi học trực tiếp. Trong đó, Mầm non đạt tỷ lệ 39,82%; Tiểu học 84,47%; THCS 87,25%; THPT 85,13%; giáo dục thường xuyên 86,36% và cao đẳng sư phạm 64,97%.
Ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tào Lâm Đồng cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo dạy học trực tuyến, đảm bảo kiến thức cho học sinh thuộc diện F0, F1. Đồng thời, Sở thực hiện thống kê hàng ngày nắm tình hình học sinh, sinh viên của các đơn vị nhằm kịp thời phối hợp với ngành Y tế để có chỉ đạo kịp thời đến cơ sở”.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin