Quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực từ việc ban hành đến thực thi các chính sách đặc thù nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người dân tộc.
Bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương, trong quá trình xây dựng và triển khai các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, công tác dân tộc luôn là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Những năm qua, cùng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tỉnh đã ưu tiên bố trí mọi nguồn nhân lực để đầu tư phát triển cho các địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là các vùng thuộc diện khó khăn. Kết quả đạt được từ các chương trình, chính sách dành cho công tác dân tộc mang lại hiệu quả rõ rệt, có tác động sâu sắc đến đời sống đồng bào các DTTS. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 4.488 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% (hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ, chiếm tỷ lệ 3,58%); hộ cận nghèo còn 11.390 hộ, chiếm tỷ lệ 3,34% (hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.728 hộ, chiếm tỷ lệ 8,63%). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 0,5%.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các cơ sở thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, hồ chứa nước, giếng khoan cấp nước sinh hoạt... được đầu tư xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được bê tông hóa; 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 93% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; 100% huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được củng cố và ngày càng hoàn thiện.
Hiện nay, đa số đồng bào DTTS đã thay đổi phương thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; một bộ phận người DTTS ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... đã áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: tái canh cà phê giống mới sản lượng cao, trồng bơ ghép, sầu riêng ghép, mắc ca, bắp lai, giống lúa cao sản; giống bò lai, bò sữa, dê, heo... để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ mua phân bón, máy móc, thiết bị nông nghiệp đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, triển khai đồng bộ.
Công tác bảo tồn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được chú trọng. Các hình thức sinh hoạt văn hoá ngày càng đa dạng và phong phú, phục vụ Nhân dân địa phương và thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tế về quyền của người DTTS, các chính sách đoàn kết dân tộc với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức tập huấn, các buổi tuyên truyền, cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn; Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng phát sóng chương trình tiếng Cơ Ho tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về quyền của người DTTS; Báo Lâm Đồng phát hành ấn phẩm chuyên đề Bản tin, ảnh Dân tộc - Miền núi Lâm Đồng phát hành mỗi tháng 1 kỳ, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống thông tin liên lạc đã vươn tới tận thôn, buôn; 100% xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; 100% xã vùng III có trạm truyền thanh không dây; 87,8% thôn, buôn có loa truyền thanh; 100% xã có tủ sách pháp luật; 100% xã có trạm bưu điện và điểm bưu điện văn hoá được trang bị máy tính.
Việc triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, các Chương trình 135, 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, chính sách dân tộc, dự án đầu tư, hỗ trợ chăm lo và phát triển bền vững trong vùng đồng bào DTTS được cấp uỷ, chính quyền các địa phương chủ động triển khai thực hiện. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi, thu hẹp nhanh hơn khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong tỉnh.
Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng có 1/7 đại biểu DTTS trúng cử đại biểu Quốc hội (tỷ lệ 14,29%). Trong 66 đại biểu trúng cử HĐND tỉnh có 14 đại biểu là đồng bào DTTS (tỷ lệ 21,21%. Có 79/396 đại biểu HĐND cấp huyện là người DTTS (tỷ lệ 19,9%); 707/3.350 đại biểu HĐND xã là người DTTS (tỷ lệ 21,1%). Tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm sâu sát đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS như đưa vào quy hoạch cấp ủy tỉnh, huyện, xã; cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và dự nguồn đi học các lớp từ trung cấp chính trị đến đại học…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như: việc thực hiện chính sách giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, đời sống một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người DTTS chưa ngang tầm với nhiệm vụ; một bộ phận đồng bào DTTS chưa nhận thức đúng và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khiếu kiện kéo dài, lấn chiếm đất rừng, quay về làng cũ; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên để phát triển kinh tế và thoát nghèo; vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đề ra một số giải pháp để đảm bảo quyền của người DTTS ngày một tốt hơn: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về đảm bảo và thúc đẩy quyền của người DTTS. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc và các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc như Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chính sách định canh, định cư. Thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện… Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động, củng cố khối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.
KIỀU NINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin