Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:02, 09/02/2022
Người có uy tín (NCUT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ này sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm và tặng quà chúc mừng năm mới người có uy tín trên địa bàn huyện Đam Rông
Đồng chí Phạm Thị Phúc - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm và tặng quà chúc mừng năm mới người có uy tín trên địa bàn huyện Đam Rông
 
Lâm Đồng hiện có 46 dân tộc thiểu số sinh sống tại 78 xã, 478 thôn, tổ dân phố với trên 338 ngàn người, chiếm khoảng 25,72% dân số toàn tỉnh. Hiện có 479 người được công nhận là NCUT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Những năm qua, Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của đội ngũ này.
 
Ghi nhận tại Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho thấy: Nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với NCUT được bố trí đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tình hình của tỉnh, đáp ứng thực hiện đầy đủ tất cả các nội dung trong chính sách theo quy định. Hàng năm, 100% NCUT được tham dự lớp tập huấn phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương. NCUT được cấp miễn phí: 1 tờ Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc; 1 tờ Báo Lâm Đồng. Hàng năm, khoảng 5% NCUT (từ 35 - 40 người) được đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc. Việc thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 dành cho NCUT được tổ chức hàng năm. Các đoàn đại biểu NCUT đến thăm, làm việc tại các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan ở Trung ương và địa phương được đón tiếp, tặng quà lưu niệm. Những người có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã 135/479 NCUT được tuyên dương.
 
Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Việc đảm bảo thực hiện chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào DTTS đã khích lệ, động viên kịp thời để đội ngũ quan trọng này phấn đấu, rèn luyện, phát huy vai trò trong công tác vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của địa phương. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hoá mỗi dân tộc.
 
Âm vang đại ngàn. Ảnh: Hiệp Nguyễn
Âm vang đại ngàn. Ảnh: Hiệp Nguyễn
 
Cụ thể, NCUT đã chủ động trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người trong cộng đồng biết, trọng tâm là thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; quán triệt để đồng bào không nghe, không tin kẻ xấu kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Nhiều NCUT đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế; là lực lượng tích cực trong việc tham gia giải tỏa các điểm “nóng” về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chính quyền, người dân trong việc giải thích, vận động nhiều hộ dân hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, vận động người dân trong thôn, xóm nêu cao ý thức bảo vệ rừng, không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hủ tục trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều gia đình NCUT đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những cho gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong đội ngũ NCUT, điển hình như ông K’ Úk xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với mô hình nuôi bò sữa; ông Cil Ha Kròng ở Thôn 3, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông với mô hình sản xuất cà phê...
 
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ cũng là những người tiên phong hiến đất và vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Nhiều NCUT đã huy động hiệu quả nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng trụ sở thôn, nhà văn hóa, sửa chữa và cải tạo trường học, các tuyến đường liên thôn, liên xã trong vùng đồng bào DTTS. 
 
Bằng uy tín của mình, những NCUT như ông Liêng Hót Ha Krang ở Thôn 3, xã Đạ Long hay ông Kon Sơ Ha Wớp ở thôn Đạ K’nàng, xã Đạ K’nàng (Đam Rông) đã vận động Nhân dân các dân tộc tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tôn giáo trái với quy định của pháp luật, vận động phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người. Từ đây, bà con đã cung cấp hàng ngàn tin có giá trị cho lực lượng công an, quân đội triệt phá các vụ án hình sự, vụ án liên quan ma túy... góp phần làm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng thôn, tổ dân phố. 
 
Và những NCUT như già làng Ndu Ha Tro ở thôn Đa Xế, xã Đạ M’rông; Già Seo Long ở Thôn 5, xã Rô Men; già làng Cil Ha Mách ở thôn Mê Ka, xã Đạ Tông (Đam Rông); ông Pang Ting Mút, trưởng nhóm cồng chiêng, tổ dân phố Bon Đưng I, thị trấn Lạc Dương; bà Ro Da Nai Linh - ở tổ dân phố Mơ Lọn - thị trấn Thạnh mỹ (Đơn Dương); ông Điểu K Giá - NCUT bản Buôn go - thị trấn Cát Tiên... chính là linh hồn, là hạt nhân gìn giữ bản sắc văn hoá ở các buôn bàng. 
 
Thực tiễn ở các địa phương cho thấy, trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong vùng đồng bào DTTS, nếu có sự tham gia phối hợp của đội ngũ NCUT thì mọi công việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn bởi đội ngũ này luôn nhận được sự tin tưởng của cộng đồng bằng uy tín và tiếng nói của mình.
 
Những NCUT trong đồng bào DTTS trên dải đất Nam Tây Nguyên vẫn đang là chỗ dựa vững chắc không chỉ của các buôn, làng mà còn cả chính quyền các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số.
 
NGỌC NGÀ