Cho ý kiến đối với ý tưởng khung quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030

01:03, 23/03/2022
(LĐ online) - Ngày 23/3, UBND tỉnh họp cho ý kiến đối với ý tưởng khung quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc
 
Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên là 9.773,54 km 2, dân số 1.259.255 người (năm 2014); bao gồm 2 TP Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện gồm: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo báo cáo của Liên danh tư vấn GITAD, ý tưởng khung quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có nhiều điểm nhấn mang tính đột phá. Trong đó, trọng tâm là xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng kinh tế động lực trong vùng Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển hệ thống đô thị – nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, khả thi và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch văn hóa – di sản, danh lam thắng cảnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế; phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các không gian đô thị, làng đô thị xanh, không gian du lịch, không gian sản xuất nông nghiệp hài hòa với không gian cảnh quan rừng đặc trưng và không gian bảo tồn đa dạng sinh học của vùng cao nguyên…
 
Đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt đóng góp ý kiến phát triển quy hoạch trên địa bàn
Đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt đóng góp ý kiến phát triển quy hoạch trên địa bàn
 
Về định hướng phát triển đô thị, dự báo đến năm 2025 toàn tỉnh có 19 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Đến năm 2035, toàn tỉnh có 19 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 6 đô thị loại IV, 9 đô thị loại V; phát triển 2 thị tứ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
 
Báo cáo cũng xác định chức năng của từng độ thị. Trong đó, TP Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế Nam Tây nguyên. TP Bảo Lộc là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; là trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp, văn hóa thể thao cấp quốc gia, nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao, dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia, trung tâm y tế và giáo dục – đào tạo cấp vùng và nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc gia. Đô thị Di Linh là trung tâm hành chính, chính trị của huyện Di Linh, trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. 
 
Đại diện Sở Xây dựng phát biểu
Đại diện Sở Xây dựng phát biểu
 
Các đô thị theo chức năng tổng hợp gồm: Đô thị Đức Trọng, Lạc Dương, Thạnh Mỹ, Đinh Văn, Lộc Thắng, Mađaguôi, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bằng Lăng. Trong đó, đô thị Đức Trọng là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp dược, mỹ phẩm cấp vùng. 
 
Các đô thị chuyên ngành, đô thị mới cấp huyện như: Nam Ban, Đ’ran, Đạ M’ri, Hòa Ninh, Phước Cát, Đạ Rsal.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên phát triển các chương trình, dự án trọng điểm cấp quốc gia và vùng, làm động lực chính phát triển lan tỏa trong toàn tỉnh. Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho toàn tỉnh theo từng lĩnh vực.
 
Trong đó, thực hiện chương trình phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; chương trình định canh định cư, sắp xếp lại dân cư vùng sạt lở, vùng sâu, vùng xa, làng đô thị xanh, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa; chương trình cung cấp nước sạch đô thị, nông thôn; chương trình bảo tồn vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, vườn quốc gia Cát Tiên; xây dựng, nâng cấp hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải cho các khu vực trung tâm vùng và các tiểu vùng; chương trình phát triển khung giao thông cấp vùng; các dự án phát triển đô thị.
 
Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng như các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; nâng cấp Quốc lộ 28, Quốc lộ 55. Nâng cấp đường tỉnh 725 và mở mới vài đoạn để thành đường Trường Sơn Đông; xây dựng đường vành đai ngoài TP Đà Lạt, đường tránh phía Nam và phía Tây TP Bảo Lộc; xây dựng tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương; xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho TP Đà Lạt; xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho TP Bảo Lộc; xây dựng hồ chứa nước thượng nguồn hồ Đan Kia, khu vực Bidoup – Núi Bà (huyện Lạc Dương) và hồ Prenn (Đà Lạt).
 
Tập trung các nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển đô thị; nâng cấp, mở rộng thành lập mới đô thị; điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận; lập mới và điều chỉnh quy hoạch đô thị ở các cấp độ khác nhau; cải tạo nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cải tạo môi trường ở của các đô thị hiện có. Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa – thể dục thể thao, thương mại dịch vụ, nghiên cứu cấp vùng tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương.
 
Về thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch, ưu tiên đầu tư các dự án lớn tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Cát Tiên, gắn với các đầu mối giao thông quan trọng. Về phát triển khu công nghiệp, kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên đầu tư Khu công nghiệp Phú Bình, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng, Khu nông nghiệp công nghệ cao Tân Phú, Phú Hội; vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn trồng rau, hoa, chè, cà phê, dâu tằm.
 
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan đã tham gia nhiều ý kiến đối với ý tưởng khung quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các ngành, nghiên cứu chuyên sâu thêm về đặc trưng, đặc thù, tiềm năng thế mạnh riêng có của tỉnh để bổ sung, hoàn thiện ý tưởng khung quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, giao các sở, ngành và các địa phương chủ trì, tham mưu UBND tỉnh trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến đối với ý tưởng khung quy hoạch tỉnh theo quy định.
 
HOÀNG SA