(LĐ online) - Thanh niên là lực lượng hùng hậu, một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc ở mọi giai đoạn lịch sử; đây cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch lợi dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng và Nhà nước ta. Ngăn chặn thủ đoạn kích động, lôi kéo thanh niên vào các hoạt động chống phá của thế lực thù địch là nhiệm vụ quan trọng đặt ra hiện nay.
|
Tạo sân chơi lành mạnh là một trong những giải pháp ngăn chặn thủ đoạn kích động, lôi kéo thanh niên vào các hoạt động chống phá của thế lực thù địch. Ảnh: T.D.H |
•
VAI TRÒ, SỨ MỆNH TO LỚN CỦA THANH NIÊN
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vị trí, vai trò và sứ mệnh to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Bác khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần do các thanh niên”.
Đảng ta đã xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước. 92 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, đoàn viên, thanh niên là đội hậu bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc.
Thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển vững bền đất nước. Qua từng giai đoạn lịch sử, trong từng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, sáng suốt đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp cao cả của cách mạng; quan tâm giáo dục, phát huy tối đa tài năng, sức lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho Tổ quốc và Nhân dân.
Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi: Ham tiếp cận cái mới, thích tự do, tự khẳng định mình… một phần, do hạn chế về nhận thức các vấn đề chính trị, xã hội, thanh niên là đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch, phản động dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động… nhằm thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta.
•
NHẬN DIỆN CÁC CHIÊU TRÒ, THỦ ĐOẠN THÂM ĐỘC
Nhận biết rõ ưu điểm, nhược điểm của thanh niên, nhất là hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ công nghệ thông tin, tác động đến mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt lứa tuổi thanh niên, đây chính là thời cơ để các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội “tiêm nhiễm” tư tưởng độc hại vào giới trẻ, nhằm làm tha hóa đạo đức, lối sống, lý tưởng của thanh niên để dễ bề dụ dỗ, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động chống phá, do chúng “đạo diễn”.
Với các chiêu trò tán phát tài liệu có nội dung sai lệch, những thông tin lập lờ, sai sự thật, với ý đồ xấu, như: Xuyên tạc lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; phủ nhận thành quả cách mạng; thành tựu phát triển đất nước; chê bai, nói xấu chế độ; cổ súy tư tưởng “bài nội”, “sùng ngoại”; tạo các diễn đàn trên mạng xã hội, cổ vũ giới trẻ tham gia truy cập và bình luận theo hướng tiêu cực, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, mơ hồ, mất phương hướng chính trị trong giới trẻ.
Để lôi kéo sinh viên, trí thức, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, “tiếp cận” các du học sinh, nghiên cứu sinh đang học tập, công tác ở nước ngoài, thực hiện các chiêu trò trao học bổng, tài trợ kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ; liên kết đào tạo… nhằm mục đích khơi gợi ảo tưởng về sự hào nhoáng xã hội tư bản; tung hê các khái niệm “cấp tiến”, “tự do”, “dân chủ”… qua đó, tập hợp, nuôi dưỡng những trí thức “lệch hướng”, với âm mưu sẽ là lực lượng làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam trong tương lai (!).
Bên cạnh đó, chúng tăng cường tán phát các sản phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ súy lối sống thực dụng nhằm tha hóa giới trẻ, khơi dậy ham muốn bản năng, thói thích hưởng lạc, ích kỷ để lơ là học tập, rèn luyện, phấn đấu. Thực tế, từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết, ảo tưởng, dễ bị lôi kéo… một bộ phận thanh niên đã coi trọng lối sống vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, bàng quang, vô cảm, không dám đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái ác; bảo vệ cái đúng, cái tốt. Một bộ phận thanh niên chưa thực sự tin tưởng vào tương lai của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu, ngại khó khăn, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Đây là hiện tượng rất đáng ngại, đáng quan tâm…
Một trong những chiêu trò thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” là bôi nhọ, nói xấu cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; cường điệu, thổi phồng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, những hạn chế, yếu kém ở một số ngành, lĩnh vực… để kích động, “hướng lái” giới trẻ bất mãn với chế độ, quay lưng “nối giáo cho giặc”. Đặc biệt, chiêu trò khoét sâu vào nội bộ ta bằng các phương thức: Chia rẽ đoàn kết trong nội bộ Đảng, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; chia rẽ giữa thế hệ cán bộ lão thành, trung kiên với đội ngũ cán bộ trẻ, với phương châm “Để cộng sản con đánh cộng sản cha”; thúc đẩy “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.
Thực tiễn những năm qua, đã có không ít thanh niên, học sinh, sinh viên “sa chân” vào “cạm bẫy” của các thế lực thù địch, tham gia biểu tình gây rối tình hình chính trị tại một số tỉnh, thành trong các vụ việc nhạy cảm, phức tạp; chia sẻ, tán phát các thông tin, bài viết sai lệch, chống đối trên mạng xã hội...
Ở Lâm Đồng, trước nay đã có một số đối tượng trẻ tuổi, bị kẻ xấu lôi kéo, mua chuộc, “đào tạo” tham gia trong các hội, nhóm phản động, chống đối chính quyền, như: Trần Minh Nhật (sinh 1988, trú tại xã Đạ Đờn, Lâm Hà) và mới đây, đối tượng Phan Tấn Gia Thịnh (sinh 1986, trú tại Phường 7, Đà Lạt), là những kẻ có trình độ học vấn, nhưng ảo tưởng đã lập các tài khoản cá nhân, tán phát hàng loạt bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội. Phan Tấn Gia Thịnh còn lôi kéo hàng chục học sinh, sinh viên nhằm hình thành các hội, “nhóm chống đối mới”…
• CẦN NGĂN CHẶN VIỆC LÔI KÉO THANH NIÊN VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng dụ dỗ, lôi kéo thanh niên vào các hoạt động tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch, cần triển khai đồng bộ các giải pháp:
Trước hết, phải tạo sức “đề kháng” cho thanh niên, để họ “miễn nhiễm” với các luận điệu tuyên truyền xảo trá, bịp bợm của các thế lực thù địch. Muốn vậy, cần tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao nhận thức, giúp cho giới trẻ nhận diện bản chất âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tỉnh táo, không nghe, không tin và không tham gia các hoạt động sai trái, phạm pháp.
Hai là, phải tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, hội. Đây là phương thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Theo Người, muốn giáo dục tốt thanh niên, trước tiên phải đưa họ vào tổ chức đoàn, hội, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Muốn vậy, tổ chức đoàn, hội phải thực sự là “chiếc nôi”, là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”; phải khắc phục cho được tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong thanh niên. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đoàn, hội phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của tuổi trẻ; coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên, để kịp thời định hướng, bồi dưỡng; đồng thời, tạo cơ hội thuận lợi để thanh niên phấn đấu, cống hiến và trưởng thành.
Ba là, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Nhà trường phải xem trọng chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng; ý thức học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn trong các nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, sinh viên; ngăn chặn các loại tội phạm xâm nhập vào học đường. Gia đình chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, giáo dục con em mình chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để các thế lực dụ dỗ, lôi kéo con em mình vào các hoạt động vi phạm pháp luật...
Bốn là, trước sự phát triển mạnh mẽ công nghệ truyền thông hiện nay, Đoàn Thanh niên và Ban Giám hiệu các nhà trường cần hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên sử dụng mặt tích cực của Internet, mạng xã hội phục vụ học tập, giải trí lành mạnh, không sa vào các trang “mạng đen” dễ bị kích động, lôi kéo… Đồng thời, lập các trang mạng xã hội để chuyển tải những thông tin chính thống và tập hợp lực lượng, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc nhắm vào giới trẻ; vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lôi kéo giới trẻ vào các hoạt động chống phá rất nguy hại...
THẠCH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin