Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, là ngày mà nước Việt Nam đã thống nhất. Những sự kiện trọng đại bao giờ cũng để lại những dấu ấn gây sự tò mò và cả mong muốn tìm hiểu cho những người đi sau, ngày 30/4/1975 cũng là một sự kiện như vậy.
|
Xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4. Ảnh: Tư liệu |
Vào lúc 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời khỏi thành phố Sài Gòn. Cùng lúc ấy, Quân giải phóng đã áp sát xung quanh nội đô Sài Gòn. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi thông báo của Chính phủ Dương Văn Minh: “Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.
Thực ra thì cho đến giờ phút này, hầu hết quân lực chế độ Sài Gòn đã mất hết sức chiến đấu và chỉ còn chờ thời gian để tan rã. Vì vậy, khi Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, dù vẫn gặp phải một số chống cự nhưng hầu như rất yếu ớt. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến cho biết, trước khi Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, tướng tình báo Pháp là Francois Vanussème (khi ấy là Đại tá) đến gặp các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền - Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn và Vũ Văn Mẫu vào sáng 30/4 để đề nghị Việt Nam Cộng hòa tiến hành hoãn binh, không đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà tiếp tục đưa ra yêu sách thành lập chính phủ liên hiệp. Francois Vanussème cũng thông báo và hứa rằng nếu chính phủ liên hiệp được thành lập thì phía Pháp sẽ giúp chế độ này nhận được sự bảo trợ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Dương Văn Minh đã trả lời đại ý ông đã cả đời làm tay sai và giờ này ông quyết định không làm tay sai cho ai nữa.
Trong Hồi ký Không tên, Tổng trưởng Thông tin chính quyền Dương Văn Minh là Lý Quý Chung cho biết, những ngày ấy ở miền Nam Việt Nam, chỉ cần ai đó có chút suy nghĩ cũng biết rằng tình thế sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là không thể cứu vãn. Tuy nhiên, tướng Dương Văn Minh đã nhận lời lên làm Tổng thống để “vác cờ trắng đầu hàng”. Khi lên làm Tổng thống, tướng Dương Văn Minh đã bổ nhiệm Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một cơ sở ngầm của phía cách mạng làm Phụ tá Bộ Tổng tham mưu và Thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, một cơ sở của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định nắm cảnh sát Thủ đô. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền Sài Gòn do một giáo sư đại học nắm (Giáo sư Bùi Tường Huân)…
Đúng 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, tướng Trần Văn Trà lệnh cho Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. Các cánh Quân giải phóng đã đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu. Khi cuộc chiến đấu ở cổng Bộ Tổng tham mưu và cổng sân bay vẫn đang quyết liệt thì có tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tuy nhiên, một số lính biệt cách dù cho đó là lừa bịp và vẫn tiếp tục bắn trả lẻ tẻ. 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập và bị kẹt tại đó. Trung úy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Bùi Quang Thận từ xe 843 nhảy xuống, cầm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chạy bộ vào. Xe tăng 390 của Vũ Đăng Toàn húc sập cánh cửa chính của dinh. Những phút sau đó, tiếp tục có thêm nhiều xe tăng - xe thiết giáp và bộ đội Quân giải phóng kéo vào trong dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống sau đó kéo lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên.
|
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Đại tướng Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trước Quân giải phóng. Ảnh: Tư liệu |
Khoảng 12 giờ trưa, Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Tại đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt toàn bộ nội các của chính phủ Sài Gòn đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng (tức Quân giải phóng miền Nam Việt Nam): “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.
Thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố trực tiếp trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi - giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng”.
Thay mặt các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Chúng tôi đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Trước khi Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, đã có những thông tin về các cuộc tắm máu sẽ xảy ra do phía Quân giải phóng tiến hành, song đã không có sự trả thù nào diễn ra. Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316, người trực tiếp chiếm giữ, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975) kể lại: “Điều kỳ diệu là thành phố còn nguyên vẹn, điện nước đầy đủ. Theo tôi có được điều ấy là do Nhân dân. Lòng dân hướng về cách mạng, các đoàn thể được tổ chức chặt chẽ. Khi các cánh quân tiến vào thì quần chúng đã đứng lên diệt ác ôn, giải phóng phường, treo cờ cách mạng. Đó là sự chuẩn bị, gây dựng quần chúng từ mấy chục năm. Phong trào quần chúng ví như thùng thuốc nổ, khi có ngòi nổ đủ sức công phá thì sức mạnh quần chúng bung ra không gì cản nổi. Quân đội như chúng tôi chỉ đóng vai trò ngòi nổ đủ mạnh”.
Tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã chiến thắng. Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản, đã ghi lại cảm tưởng của mình: “Đó là một cuộc chiến tranh [chiến tranh Việt Nam] lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”.
Có một sự trùng hợp thú vị, trưa ngày 30 tháng 4, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã liên lạc với Quân giải phóng và tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó...”. Chiều ngày 30 tháng 4, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn được chính ông trình bày trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.
TRUNG KIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin