Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, biến thách thức thành cơ hội

06:04, 08/04/2022
Lâm Đồng xác định, trong năm 2022 này, toàn tỉnh cần “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
 
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND TP Đà Lạt và các sở đối chiếu bản vẽ tại Dự án Trần Quý Cáp. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND TP Đà Lạt và các sở đối chiếu bản vẽ tại Dự án Trần Quý Cáp. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
 
•  NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC
 
Mặc dù đại dịch COVID-19 có những tác động trực tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến rất nhiều mặt trong đời sống, tuy nhiên, Lâm Đồng trong năm 2021 đã có các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để ứng phó kịp thời. Cùng đó các phong trào thi đua trong tỉnh được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phong trào thi đua cao điểm chung tay phòng, chống dịch bệnh, đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã chỉ đạo tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các công trình trọng điểm; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; chỉnh trang đô thị Đà Lạt; đồng thời, tiếp tục kiên trì mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững. 
 
Đến nay, tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng đa ngành, năng lực cạnh tranh cao; chú ý phát triển công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu, sản phẩm đặc hữu, có lợi thế của địa phương, công nghiệp hỗ trợ, dược phẩm... theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển thương hiệu nông sản, nhất là thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đẩy mạnh liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp theo mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm, nông dân là chủ thể”. 
 
UBND tỉnh trong thời gian qua cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. 
 
Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, ban hành các đề án chống thất thu thuế, đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách Nhà nước, khai thác các nguồn thu mới để bù đắp những khoản thu bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác quản lý chi ngân sách địa phương đảm bảo các khoản chi theo dự toán được giao, thực hành tiết kiệm, đảm bảo định mức, chế độ quy định; thực hiện cắt giảm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ để dành nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách; tăng cường chi đầu tư phát triển để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Dù dịch bệnh ảnh hưởng nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế của Lâm Đồng trong năm 2021 đều có những bước tiến đầy tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 2,58%GRDP bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,64%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 696,3 triệu USD, đạt 85,44% kế hoạch đề ra.
 
KẾT QUẢ KHEN THƯỞNG CỦA TỈNH TRONG NĂM 2021 
1- Khen thưởng của Chủ tịch nước:
UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình khen thưởng các loại huân, huy chương cho: 8 tập thể (trong đó có 2 doanh nghiệp); 24 cá nhân (trong đó lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương trở lên 4 trường hợp; lãnh đạo cấp sở, ngành và tương đương 11 trường hợp; lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương 3 trường hợp; doanh nhân 6 trường hợp).
Cụ thể:
- Huân chương Độc lập hạng Ba: 1 cá nhân;
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì: 1 cá nhân;
- Huân chương Lao động hạng Nhất: 1 cá nhân;
- Huân chương Lao động hạng Nhì: 4 cá nhân, 1 tập thể;
- Huân chương Lao động hạng Ba: 17 cá nhân, 7 tập thể.
 
2- Khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ: 
- Cờ thi đua của Chính phủ: 17 tập thể (trong đó có 1 doanh nghiệp);
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 22 tập thể (trong đó có 2 doanh nghiệp); 27 cá nhân (trong đó lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương trở lên 2 trường hợp; lãnh đạo cấp sở, ngành và tương đương 6 trường hợp; lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương 6 trường hợp; doanh nhân 3 trường hợp; lao động trực tiếp 10 trường hợp).
 
3- Khen thưởng của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh:
- Cờ thi đua của UBND tỉnh: 87 tập thể.
- Tập thể Lao động xuất sắc: 403 tập thể;
- Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh: 87 cá nhân;
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh: 982 tập thể; 20 hộ gia đình; 1.556 cá nhân. 
 
Tính từ năm 1984 đến nay, Lâm Đồng đã thẩm định, trình cấp có thẩm quyền khen thưởng Huân chương Độc lập cho 47 trường hợp gia đình có nhiều liệt sĩ; Bằng có công với nước 14 trường hợp; Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” 434 trường hợp; Huân chương Kháng chiến chống Pháp 87 trường hợp; Huy chương Kháng chiến chống Pháp 439 trường hợp; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ 8.081 trường hợp; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ 7.751 trường hợp; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích kháng chiến 1.308 trường hợp; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày 1.691 trường hợp.
VT
 
Cùng đó, hầu hết các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế cũng đều có những kết quả đáng ghi nhận; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai thực hiện hiệu quả; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
 
Tỉnh trong năm qua cũng phát động và thực hiện thành công Kế hoạch thi đua cao điểm thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo an ninh trật tự và yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
 
Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trong năm đã kịp thời tham mưu tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng; các sở, ngành, địa phương của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phát động các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề, bám sát tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị được giao của địa phương, tạo động lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội. 
 
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai, tuyên truyền các phong trào thi đua đến các hội viên, đoàn viên từ đó thúc đẩy các phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
 
Trong công tác khen thưởng, như đánh giá của tỉnh, được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo về thành phần hồ sơ, nguyên tắc, chính xác, công bằng, kịp thời; không tặng thưởng trùng lặp cho một thành tích. Việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, đặc biệt là các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời kết hợp với động viên bằng vật chất đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua của tỉnh và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng.
 
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao danh hiệu vinh dự Nhà nước Thầy thuốc Nhân dân cho các cá nhân
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao danh hiệu vinh dự Nhà nước Thầy thuốc Nhân dân cho các cá nhân
 
TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KT-XH
 
Vẫn còn không ít những hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay. Trước nhất, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên công tác phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch phát động tổ chức các phong trào thi đua, đăng ký thi đua năm 2021 của các cụm, khối thi đua còn chậm; việc phối hợp tổ chức phong trào thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cũng đã có tiến bộ nhưng một số chương trình phối hợp hoạt động chưa thực sự có hiệu quả. 
 
Cùng đó, một số quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời hoặc chưa có quy định cụ thể để phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương; việc kiểm tra, giám sát trong tổ chức phong trào thi đua chưa được thực hiện thường xuyên; phong trào thi đua chưa đồng đều, vẫn chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm; việc đi cơ sở trực tiếp nắm bắt các thông tin phục vụ công tác thẩm định hồ sơ khen thưởng; phát hiện, đánh giá, thẩm định các mô hình mới, mô hình điển hình tiên tiến để đề xuất biểu dương, khen thưởng còn ít, chưa kịp thời...
 
Trong năm nay, Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó, trọng tâm là phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để chiến thắng đại dịch, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân.
 
Lâm Đồng cũng tiếp tục phát động và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025; phong trào thi đua “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể và quản lý hợp tác xã.
 
Tỉnh cũng thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương phát động lâu nay như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
 
VIẾT TRỌNG