(LĐ online) - Sáng 7/4, tại TP Đà Lạt, Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trọng tâm là chuyển đổi số trong kinh tế nông nghiệp - phát triển nông thôn. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch thông tin, tuyên truyền của Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo năm 2022 của Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông.
|
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tọa đàm |
Hội thảo với sự chủ trì của các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Điểu K’Ré - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông.
Tham dự có các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông; lãnh đạo Báo Lâm Đồng, Đài PTTH Lâm Đồng, Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương; các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tại Đà Lạt; các nhà báo, phóng viên văn phòng đại diện và phóng viên thường trú các báo đóng trên địa bàn tỉnh.
|
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chào mừng |
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh: Trong đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vai trò làm bệ đỡ của nền kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Để đạt được kết quả thuyết phục đó, phải kể đến yếu tố chuyển đổi số. Đây được đánh giá là xu thế tất yếu, là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp và các địa phương vừa tận dụng được những cơ hội mới sau đại dịch, vừa hướng đến sự phát triển bền vững.
Đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số tạo ra ba xu thế mới: Xây dựng sàn thương mại điện tử nông nghiệp lớn giúp bỏ qua trung gian tiêu thụ hàng hóa, nông dân được hỗ trợ các giải pháp đồng bộ từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán; tạo ra xu thế phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ, xây dựng thương hiệu; tạo ra xu thế phi vật thể hóa như số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi… Trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp.
|
Các đồng chí chủ trì buổi tọa đàm |
Để thực hiện chuyển đổi số thành công, tạo nên sự liên thông kết nối kinh tế nông nghiệp số, nông thôn số, nông dân số cần sự đồng hành của nhiều chủ thể. Báo chí cũng đóng góp không nhỏ vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia và của từng ngành nghề, lĩnh vực. Mới đây, đoàn công tác của Báo Nhân Dân đã có chuyến làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên với nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, nhất là trong hệ thống báo Đảng từ trung ương đến địa phương.
Cũng từ chuyến đi này, đoàn công tác đã tìm hiểu thực tế về triển vọng phát triển của Tây Nguyên. Trong đó, những kinh nghiệm tiên phong trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng đã mang tính gợi mở để có thể đưa ra những khuyến nghị về chính sách, những chương trình liên kết vùng để kích hoạt một khu vực rộng lớn còn nhiều dư địa để đổi mới và phát triển.
|
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Phát biểu chào mừng, đồng chí Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy cho hay: Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao. Thời gian qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã tập trung nhiều giải pháp phát triển vùng dân tộc thiểu số. Mặc dù năm 2021 đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương, Lâm Đồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 bằng bình quân chung cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách có nhiều nỗ lực…
Lâm Đồng có hai lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ là nông nghiệp và dịch vụ du lịch, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp và quản lý điều hành. Từ những kết quả đạt được, Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng đã khẳng định được ưu thế của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, tọa đàm được tổ chức có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp, mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình chuyển đổi số đối với sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh Lâm Đồng.
|
Các đại biểu trình bày tham luận |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe những tham luận đánh giá khách quan, toàn diện việc chuyển đổi số cũng như thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Các tham luận đều cùng đề cập đến chuyển đổi số là một xu hướng, một yêu cầu tất yếu, một phương cách thích ứng trong thời đại công nghiệp 4.0 và bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Qua đó, tạo ra và nâng tầm những giá trị cốt lõi, góp phần tác động tích cực vào sự thay đổi tư duy, nhận thức của người dân vùng Tây Nguyên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.
|
Ban Tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự tọa đàm |
Các nội dung tham luận sẽ được chuyển tải trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân, đặc biệt tại trang chuyên đề “Dân tộc và Tôn giáo” trên ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần.
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai chiến lược quốc gia về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tây Nguyên đã phần nào có được câu trả lời xác đáng từ các tham luận, những ý kiến trình bày tại tọa đàm. Đồng thời, khẳng định vai trò của cơ quan truyền thông sẽ đồng hành cùng Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số…
TUẤN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin