(LĐ online) - Sáng 19/4, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự án Luật Điện ảnh dự kiến trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
|
Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo chủ trì hội thảo góp ý Dự án Luật Điện ảnh |
Dự thảo Luật Điện ảnh gồm 8 chương, 50 điều. Luật này quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh.
Đối tượng áp dụng gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.
ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế; đồng thời, vận hành như một ngành kinh tế tổng hợp, tuân theo các quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, liên quan tới một số vấn đề mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật; những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
|
Đại biểu tham gia góp ý Dự án Luật Điện ảnh |
Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách đột phá để phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; các chính sách phải cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, khả thi; nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.
Một số ý kiến đề nghị có chính sách đầu tư cho sáng tác kịch bản phim, hoạt động lý luận, phê bình, tuyên truyền, giới thiệu, định hướng thẩm mỹ điện ảnh; bổ sung đề tài về biển đảo, biên giới, văn hóa truyền thống, thanh thiếu niên; khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức, tham gia liên hoan, cuộc thi phim.
Đại biểu tham dự hội thảo góp ý về dự án luật, theo đó đề nghị cơ quan soạn thảo bố trí 1 chương về khiếu nại, xử lý vi phạm, khen thưởng trong Luật. Trong phạm vị điều chỉnh nên mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động điện ảnh; nên điều chỉnh thống nhất đối tượng “người xem” chung và thống nhất từ đầu đến cuối; nên điều chỉnh quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả (theo Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định).
Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ, bổ sung các ý kiến đã góp ý trước đây, nhiều nội dung đã góp ý nhưng chưa được tiếp thu. Việc tiếp thu các ý kiến góp ý đại biểu nên đầy đủ, chi tiết hơn. Ngoài ra, còn có các ý kiến liên quan đến việc quy định phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cách thức phân loại phim, hình thức phổ biến phim.
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp, trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sắp tới.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin