Phản biện xã hội đối với Dự thảo dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

01:04, 13/04/2022
(LĐ online) - Sáng 13/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc. 
 
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chủ trì hội nghị tại Lâm Đồng
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chủ trì hội nghị tại Lâm Đồng
 
Đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đồng chí Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc và Dân chủ pháp luật, lãnh đạo MTTQ các huyện, thành phố và đại diện MTTQ một số phường, xã trên địa bàn TP Đà Lạt cùng dự. 
 
Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều được đưa ra lấy ý kiến phản biện xã hội trên phạm vi toàn quốc; trong đó, đề cập tới các nội dung quan trọng như thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; thanh tra nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở… 
 
Theo đồng chí Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đóng vai trò nòng cốt thực hiện các quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, để Nhân dân hiểu rõ và thực hiện vai trò làm chủ của mình. 
 
Các đại biểu tham dự đông đủ hội nghị
Các đại biểu tham dự đông đủ hội nghị
 
Thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ tổng kết Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; chủ trì, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, thiếu sót từ thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân…
 
Từ định hướng và gợi ý nội dung trọng tâm cần phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đại biểu tham dự hội nghị là các chuyên gia, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp... đã tập trung ý kiến phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; việc thể hiện nguyên tắc thực hiện dân chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong Dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư, các nội dung liên quan dân bàn, dân biểu quyết trực tiếp nên mở rộng, bổ sung như thế nào cho phù hợp…
 
Dự thảo Luật sau khi được lấy ý kiến góp ý bổ sung và khi được thông qua, thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền; là cơ sở pháp lý đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Trung ương MTTQ Việt Nam cũng tiếp thu các ý kiến của các tỉnh, thành và tổng hợp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu thấu đáo, rà soát kỹ để đảm bảo Dự án Luật liên thông, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và sớm đi vào cuộc sống.
 
NGUYỆT THU