Xây dựng Đảng về đạo đức làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh

05:04, 27/04/2022
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng là công việc trọng tâm, thường xuyên nhằm đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Từ Đại hội XII, Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Quan điểm đó được Đại hội XIII tiếp tục kế thừa, bổ sung, hoàn thiện với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ.
 
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.Hải
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.Hải
 
Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức coi trọng. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm  “Đường cách mệnh”, ngay ở trang đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra 23 điều tư cách của một người cách mệnh, trong đó có những điểm: “Cần kiệm, Cả quyết sửa lỗi mình, Không hiếu danh, Không kiêu ngạo, Nói thì phải làm, Hy sinh, Ít lòng tham muốn về vật chất”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên; đến xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Nhiều bài viết, bài nói chuyện của Bác đã đề cập đến vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên, cũng như của Đảng, thẳng thắn chỉ ra những tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức cách mạng. Theo Người, xây dựng Đảng về đạo đức trước hết là xây dựng tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên; bởi vì trong điều kiện Đảng cẩm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện qua tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, đạo đức được xem là gốc, là nền tảng và “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. 
 
Trước đây, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong các văn kiện của Đảng thuộc nội hàm xây dựng Đảng về tư tưởng. Đến Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức thành một mục riêng, được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức; trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” là một trong những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng của xây dựng Đảng. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa, bổ sung, hoàn thiện quan điểm xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh: Phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là gốc, là nền tảng và là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, đòì hỏi phải kiên quyết, kiên trì thực hiện để đảm bảo Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương về đạo đức; người giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, danh vọng. 
 
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, trong đó cần quan tâm đến một số nội dung, đó là:
 
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải nhận thức sâu sắc việc xây dựng Đảng về đạo đức là một công việc vô cùng hệ trọng, gay go, phức tạp, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ; một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trực tiếp góp phần đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Từ đó, thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của mình trong việc nêu cao danh dự, lòng tự trọng bản thân; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”; luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và “không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ,... 
 
Tiếp đến, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng trong toàn Đảng theo những giá trị và chuẩn mực Đảng đã xác định. Theo đó, cần sớm xây dựng, ban hành các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống; đưa nội dung giáo dục đạo đức cách mạng vào chương trình đào tạo của hệ thống trường Đảng, các nhà trường của hệ thống chính trị, giáo dục quốc dân,... 
 
Cùng đó, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng tự rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước,… Thực hiện tốt sẽ giúp cán bộ, đảng viên tự rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý cho mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức. 
 
Xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng phải trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân; công khai, minh bạch thông tin và chế độ trách nhiệm trong Đảng, trong các cơ quan công quyền, trong các tổ chức đoàn thể để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt; kết hợp chặt chẽ giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đây là những nội dung quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
 
Đặc biệt, kiên quyết, kiên trì thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí với phương châm kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí; có cơ chế phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, lãng phí và coi tham nhũng là một tội phạm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 
 
Có thể nói, xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng trước Nhân dân và dân tộc. Do đó, các cấp ủy đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để có các chương trình, kế hoạch hành động và những việc làm cụ thể nhằm nhanh chóng hiện thực hóa vào trong cuộc sống.
 
LINH NHÂN