(LĐ online) - Tháng Năm về, trong mỗi chúng ta lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - một lãnh tụ có tình yêu thương con người bao la, sâu nặng và thấm đượm tính nhân văn cao cả.
|
Ảnh minh họa |
Tình yêu thương con người của Bác Hồ kính yêu được dành cho tất cả mọi kiếp người, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim và tấm lòng nhân ái của Người. Hơn thế nữa, tấm lòng nhân ái của Bác còn dành cho cả nhân loại cần lao:
Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế.
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã dành tình yêu thương cho những người cùng khổ. Khi làm phụ bếp ở bên Anh, Bác để riêng thức ăn còn thừa gói lại mang về cho những người nghèo khổ ăn xin ngoài đường. Bác đã không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh thực dân Pháp tại cảng Đaca bắt người lao động da đen nhảy xuống biển bị sóng nhấn chìm. Người cũng khóc khi đọc báo biết một nhà yêu nước Ailen tuyệt thực đến chết…
Năm 1942, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, bao lần bị giải đi trong gió lạnh, nhưng Bác vẫn nặng lòng thương cảm những người lao động cực nhọc gặp ở dọc đường:
Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi
Phu đường vất vả lắm ai ơi!
Ngựa xe, hành khách thường qua lại
Biết cảm ơn anh được mấy người?
(Phu làm đường - Nhật ký trong tù)
Năm 1945, nạn đói xảy ra làm 2 triệu người chết, Bác rất đau xót và đã kêu gọi:
“Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó mỗi bữa một bơ để cứu giúp dân nghèo”…
Đất nước giành được độc lập nhưng phải đương đầu với các cuộc chiến tranh của kẻ thù xâm lược, hơn ai hết, Bác Hồ là người thấu hiểu sự gian khổ, hy sinh to lớn của bộ đội và dành tình cảm thân thương, ấm áp như tình cảm của người cha dành cho những đứa con ruột thịt của mình. Năm 1946, khi tham dự cuộc vận động “Mùa Đông binh sĩ”, Bác đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, giữa đêm đông giá lạnh nơi chiến trường Tây Bắc, Bác trằn trọc không ngủ được vì thương bộ đội. Năm 1947, khi nhận được tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết:
“Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột...”.
Đầu năm 1954, tại Chiến khu Việt Bắc, thời tiết giá rét nên một chiến sĩ đi tuần đêm nhiễm lạnh bị ho. Biết chuyện, Bác lấy chiếc áo trấn thủ của mình đưa cho người lính mặc để đỡ rét… Tháng 7/1967, giữa mùa hè nóng như thiêu như đốt, thương các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình không đủ nước uống, Bác đã dành số tiền tiết kiệm của mình tặng lực lượng bộ đội phòng không Hà Nội để có tiền mua thêm nước giải khát trong những ngày hè nắng nóng. Và còn biết bao câu chuyện cảm động của Bác dành cho bộ đội.
Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn có mặt ở hầu hết những nơi mũi nhọn, từ đồng ruộng, khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đến các đơn vị không quân anh hùng, các trường học... để kịp thời thăm hỏi, động viên.
Đến với nông dân, Bác ân cần thăm hỏi, động viên những người phải “năm nắng mười mưa” chống chọi với thiên tai, bom đạn của kẻ thù để làm ra hạt lúa gửi cho tiền tuyến và nuôi sống hậu phương:
Bác vẫn đi kia giữa cánh đồng
Thăm từng ngọn lúa, hỏi từng bông
Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm
Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong
(Tố Hữu)
Bác cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên công nhân ngày đêm tất bật trên dây chuyền sản xuất, hăng hái thi đua lập chiến công:
Bác vẫn về kia những sớm trưa
Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ
Hỏi anh, hỏi chị công nhân ấy
Vàng ngọc thi đua được mấy giờ
(Tố Hữu)
Mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến nhân dân, nhất là những người nghèo khổ, lo sao cho họ có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Với câu chuyện đêm giao thừa năm Nhâm Dần (1962), Bác Hồ đến thăm chị Nguyễn Thị Tín - người nghèo nhất của Hà Nội. Khi chị Tin chạy lại quỳ xuống ôm lấy chân Bác:
“Trời ơi! Đêm 30 Tết Bác còn đến thăm mẹ con cháu!”. Bác cầm tay nâng chị Tín đứng dậy và bảo:
“Tết, Bác không đến thăm những gia đình như cô, Bác còn đến thăm ai nữa”. Đó là một câu chuyện tiêu biểu, một bài ca đẹp minh chứng cho tình yêu thương con người bao la của Bác.
Đặc biệt hơn cả là tình yêu của Bác dành cho thiếu niên nhi đồng
“Ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Dù là “ông Ké”, “già Thu” ở chiến khu xưa, hay là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước sau này, Bác vẫn luôn dõi theo, dành tình cảm, thời gian cho các cháu. Hầu như Tết Trung thu năm nào Bác cũng gửi thư thăm hỏi, động viên và đặt nhiều niềm tin nơi các cháu. Đồng thời, nhắc nhở cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cán bộ chiến sỹ và đồng bào “phải làm sao cho các em có cơm ăn, có áo ấm, được đi học”.
Đất nước chia cắt, miền Nam bị kìm kẹp của chế độ Mỹ - ngụy, Bác đã dành tình thương đặc biệt đối với đồng bào miền Nam,
“Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi” và mỗi khi có đại biểu, các chiến sỹ miền Nam ra thăm, Bác đều tiếp đón, thăm hỏi, tặng quà, cùng chụp ảnh kỷ niệm... Bác vô cùng đau xót khi thấy đồng bào bị áp bức, kìm kẹp và vui mừng khi được tin thắng lợi.
Đối với thương binh, liệt sĩ và người có công, tình cảm của Bác thật vô bờ bến. Hàng năm cứ đến ngày “Thương binh - Liệt sĩ”, Bác đều gửi thư thăm hỏi và dành thời gian nhiều lần đến thăm anh em thương binh tại các trại điều dưỡng, bệnh viện hoặc đón tiếp họ tại nơi ở và làm việc của Người. Cùng với những lời thăm hỏi động viên tinh thần, Bác còn có quà, trích tiền lương để tặng các thương binh khi Người đến thăm. Người nói:
“Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ” … “bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tình cảm của Bác dành cho họ hết sức chân thành, sâu sắc. Năm 1946, đất nước vừa dành được độc lập, phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, tình thế cách mạng như “Ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Bác Hồ và Đảng ta vẫn chỉ đạo tổ chức Hội nghị đại biểu các DTTS toàn quốc (03/12/1945) và Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku. Do tình thế cách mạng “nước sôi lửa bỏng” không thể vào dự trực tiếp, Bác có thư gửi động viên, khích lệ đồng bào. Bức thư của Người hàm chứa nội dung phong phú, sâu sắc; trong đó nhấn mạnh đến cội nguồn dân tộc và tình cảm, tình đoàn kết gắn bó keo sơn như anh em một nhà, đồng thời bộc lộ tình cảm đối với đồng bào:
“Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”.
Điểm nổi bật trong tình yêu thương con người của Bác còn là sự bao dung và độ lượng đối với những người mắc phải khuyết điểm. Người nói:
“Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sữa chữa chỗ xấu cho họ”. Đối với những người lầm đường, lạc lối, Bác vẫn đặt niềm tin vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người đó và yêu câu “phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”. Đối với những tù binh và thường dân Pháp bị ta bắt trong chiến tranh, Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ta phải nêu cao lòng chính nghĩa, nhân đạo; phải đối xử khoan hồng đối với họ, giúp họ nhận ra chân lý… Tấm lòng khoan dung, độ lượng của Bác đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù; cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ, không quản ngại gian khổ, hy sinh để đi theo cách mạng và kháng chiến.
Điều đặc biệt là trước lúc đi xa, Bác vẫn đau đáu nỗi niềm chăm lo cho nhân dân và hơn hết là dành tình yêu bao la để lại cho toàn thể dân tộc ta:
“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Có thể nói, thật hiếm có vị lãnh tụ nào lại có tình thương mênh mông, dành cho bao số phận, mọi kiếp người như Bác.
Cuộc đời Bác Hồ kính yêu thật thanh cao, giản dị, không màng danh lợi, không một chút riêng tư. Người sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho dân, cho nước “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Tình yêu thương con người của Bác không đơn thuần là sự thừa hưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã trải qua, chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người và nó đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.
Tháng Năm nhớ Bác, yêu quý Bác càng thôi thúc chúng ta tự nguyện, tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tâm nguyện:
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường sơn
(Tố Hữu)
VĂN NHÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin