Trong năm 2021, thiên tai ở Việt Nam đã làm 108 người chết, mất tích; 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5 nghìn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với năm 2020, thiên tai làm 357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40 nghìn tỷ đồng thì năm 2021 vẫn là năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra với nước ta. Đây là những thông tin các cơ quan chức năng cho biết tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ, các bộ và 63 tỉnh thành về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022
Các đại biểu, chuyên gia đánh giá với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước. Đồng thời, các đại biểu cho rằng, bước sang năm 2022, dịch bệnh COVID- 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các loại hình thiên tai lớn như: siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất…tiếp tục sẽ là nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Đây là những thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng, chống thiên tai nói riêng, đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai phải ngày càng hiệu quả và quyết liệt hơn.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, khó khăn và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh; sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề môi trường cấp bách này đã trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của mỗi ngành, mỗi địa phương và đất nước.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu gia tăng bất thường và khó dự báo, có những nguyên nhân chủ quan quan trọng dẫn đến và làm nghiêm trọng hơn những vấn đề về môi trường. Một trong những nguyên nhân đó là tình trạng chất lượng rừng suy giảm mạnh là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất, quy mô và cường độ các thiên tai xảy ra trong những năm qua, như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn...
Lâm Đồng là một trong những địa phương thuộc địa bàn miền Trung- Tây Nguyên nơi thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 10 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 265 đợt mưa lớn, lũ quét, mưa đá; 153 đợt lốc xoáy; 22 vụ sạt lở đất; 18 vụ sét đánh; 9 đợt hạn hán và sương muối... Hậu quả thiệt hại về người gồm: 45 người chết, 36 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tổng giá trị 1.419 tỷ đồng.
Để bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trước tác động của thiên tai, Lâm Đồng đã nỗ lực xây dựng, thực hiện nhiều giải pháp. Mới đây nhất, Lâm Đồng đang nỗ lực triển khai Chương trình phòng, chống thiên tai đến năm 2025, với dự toán tổng kinh phí trên 278 tỷ đồng, trong đó, hơn 220 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước và gần 578 tỷ đồng tiền Quỹ Phòng, chống thiên tai. Riêng trong năm 2022 phân bổ gần 70 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Mục đích chung đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng địa phương có khả năng quản lý rủi ro cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội..Trong đó, đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát thiên tai để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, báo động. Đặc biệt, chú trọng luyện tập và diễn tập ứng phó với tình hình mưa lũ với các kịch bản phải sát với tình hình và diễn biến của thiên tai...
Tuy nhiên, từ thực tế những năm qua, để thực hiện được hiệu quả các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, bền vững phòng, chống thiên tai nói trên, một giải pháp quan trọng, xuyên suốt, vừa cấp bách vừa lâu dài cần phải là đẩy mạnh công tác truyên truyền và giáo dục môi trường. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường...phải đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng, miền và khu vực. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường; cung cấp thông tin kịp thời về BVMT trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Truyền thông mạnh mẽ để tạo phong trào rộng lớn trong toàn dân tham gia BVMT, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học... Công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường chỉ thành công khi mỗi người đều nhận thức và thực hiện bảo vệ môi trường là bảo vệ tính mạng và cuộc sống của chúng ta bền vững.
HÀ XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin