Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp: Nền kinh tế đang phục hồi tích cực

05:05, 30/05/2022
(LĐ online) - Chiều 30/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5; triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 6/2022 và thời gian tới đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận và thông qua.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chủ trì cuộc họp
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chủ trì cuộc họp
 
Tham dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị huyện, thành phố trong trong tỉnh. 
 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2022 nêu rõ: Trong tháng 5, UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, với sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. 
 
Nổi bật là dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát hiệu quả. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt kết quả khá, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Tình hình sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định với tổng diện tích gieo trồng đạt 336.208 ha, đạt 85,3% kế hoạch, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 7,2% so cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 16,7%; một số sản phẩm công nghiệp tăng trưởng khá so cùng kỳ.
 
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp
 
Trong tháng 5, hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống... đi vào hoạt động ổn định, tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 6.241,7 tỷ đồng, tăng 42,9%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 27.642,2 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ, đạt 41,6% kế hoạch.
 
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 85,5 triệu USD, tăng 61,7% so cùng kỳ; luỹ kế 5 tháng đầu năm đạt 306,89 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ, đạt 37,7% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 11,6 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 63,85 triệu USD, giảm 42,7% so với cùng kỳ, đạt 34,5% kế hoạch. 
 
Cũng trong tháng 5, ngành chức năng cùng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự để triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút du khách vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5; giá cả dịch vụ, khách sạn, phòng nghỉ nhìn chung ổn định.
 
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường phát biểu tại phiên họp
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường phát biểu tại phiên họp
 
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng. Trong tháng 5, toàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 17 vụ so với cùng kỳ (giảm 43%). Trong đó, phá rừng 14 vụ, giảm 1 vụ; diện tích thiệt hại 7,81 ha, tăng 4,44 ha so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện 110 vụ vi phạm, giảm 122 vụ (giảm 53%); diện tích thiệt hại 20,5 ha, tăng 6,2 ha (tăng 43,6%); lâm sản thiệt hại 428 m3, giảm 200,1 m3 (giảm 31,7%) so với cùng kỳ. Tổng số vụ đã xử lý 84 vụ (xử lý hành chính 77 vụ, xử lý hình sự 07 vụ), tịch thu 169,8 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; thu nộp ngân sách hơn 1.388 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ cháy rừng, với diện tích 43,05 ha; các vụ cháy được phát hiện và xử lý kịp thời, không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng tuy có giảm về số vụ nhưng diện tích thiệt hại tăng, một số nhà đầu tư được thuê rừng và đất rừng chưa bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng đủ mạnh, còn để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng so với cùng kỳ; thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế; tiến độ giải ngân còn chậm, nhiều công trình, dự án chưa giải ngân; trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông và tình trạng đuối nước ở trẻ em còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đánh giá cao những kết quả đạt được trong tháng 5/2022 trên các lĩnh vực mà báo cáo đã nêu. Đồng thời nhấn mạnh những kết quả đạt được trong tháng 5 thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh. Điều đó cũng cho thấy và minh chứng cho sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.
 
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại phiên họp
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại phiên họp
 
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu đến ngày 30/6/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% kế hoạch vốn; những trường hợp không giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ thì kiên quyết thu hồi phần vốn đã bố trí và không xem xét cấp lại vốn cho dự án, địa phương, đơn vị, cơ quan đó; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu về việc không thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra.
 
Tập trung ưu tiên nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các công trình trọng điểm; thực hiện nghiêm Kết luận của Ban Chỉ đạo thực hiện các công trình trọng điểm tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm theo kế hoạch đề ra.
 
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách, tăng cường quản lý thu thuế, chống thất thu và nợ đọng thuế. Phấn đấu đến ngày 30/6/2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt từ 60% trở lên so với dự toán địa phương. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối, tiết kiệm, hiệu quả.
 
Ngoài ra, thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, duy trì hoạt động xuất khẩu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, kết nối mở rộng thị trường, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu.
 
Thực hiện các giải pháp để kích cầu du lịch, đặc biệt trong dịp hè; giữ gìn, tôn tạo kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm, phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, du lịch canh nông, nâng cao thời gian lưu trú, mức chi tiêu và mức độ hài lòng của du khách; đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng…
 
HOÀNG SA