(LĐ online) - Sáng ngày 10/5, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc hơn 100 cử tri của xã Tân Châu (Di Linh) trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
|
Các đại biểu và cử tri tham dự buổi tiếp xúc |
Tham dự buổi tiếp xúc có ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông K'Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Di Linh.
|
Ông K'Nhiễu thông tin đến cử tri địa phương dự kiến nội dung chủ yếu của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; khái quát về tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2022 của cả nước và 4 tháng đầu năm của tỉnh Lâm Đồng |
Tại buổi tiếp xúc, ông K'Nhiễu - Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã thông tin đến cử tri địa phương dự kiến nội dung chủ yếu của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; khái quát về tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2022 của cả nước và 4 tháng đầu năm của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc từ ngày 23/5 đến ngày 18/6/2022 bằng hình thức họp tập trung tại Thủ đô Hà Nội.
Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa. Cùng với đó, Kỳ họp sẽ xem xét cho ý kiến 6 dự án luật, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác tại kỳ họp…
Ông K'Nhiễu cũng đã thông tin khái quát đến cử tri về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của cả nước và 4 tháng đầu năm của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng 4 tháng đầu năm 2022, tuy phải đối diện với điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội địa phương phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống Nhân dân được ổn định, nâng cao.
|
Cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri địa phương đã đề đạt ý kiến, kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở Trung ương và địa phương một số nội dung như: UBND tỉnh có dự án làm đường liên xã Liên Đầm, Liên Châu, Liên Thượng… đã được triển khai hơn 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa làm xong, mùa mưa thì ngập úng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, đi lại của người dân; dự án công ty Vinamilk vào xã đã bít con đường giao thông nội đồng của thôn 1,2, hiện nay người dân không có đường để đi vào khu sản xuất; Quốc lộ 28, đoạn đi qua thôn 6 và xã Tân Châu hệ thống mương 2 bên đường sâu nhưng không có nắp cống gây mất an toàn giao thông; Điện lưới tại thôn 4, đã có dự án của Nhà nước, hiện một số tuyến dây điện ngoằn nghèo, vướng víu trong việc đi lại, mong Nhà nước hỗ trợ các trụ điện và kéo đường dây an toàn cho bà con; Giá cả các loại vật tư nông nghiệp đang tăng quá cao ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con, cần có giải pháp điều chỉnh bình ổn giá; Việc giải quyết các chế độ chính sách cho người có công đối với những trường hợp tham gia công an viên trên 20 năm….
|
Ông Trần Nhật Thi, Phó chủ tịch UBND huyện tiếp thu, giải trình các ý kiến kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền |
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Qua đó, đã trực tiếp giải trình các vấn đề, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Cụ thể, đoạn đường liên xã: Liên Đầm, Liên Châu, Tân Thượng đến nay chưa hoàn thành vì một đoạn chưa giải tỏa được, tuyến đường này đa số người dân hiến đất, đoạn qua Liên Châu các hộ dân ở đây không nhận tiền đền bù nên chưa giải tỏa được để thông tuyến. Huyện đã xin UBND tỉnh xây dựng lại phương án đền bù, hỗ trợ mới. Mong thời gian tới cử tri đồng hành cùng Nhà nước để hoàn thành tuyến đường này; Công ty Vinamilk được UBND tỉnh cho thuê 60 ha đất để thực hiện dự án chăn nuôi hữu cơ, vậy nên không cho người dân đi vào con đường cũ trong khu đất này. UBND huyện phối hợp với Công ty Vinamilk đã cho mở tuyến đường vòng vành đai, tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại, sản xuất nông nghiệp; Về điền lưới, huyện Di Linh sẽ phối hợp với ngành điện ưu tiên nâng cấp các tuyến đường điện tại nơi Nhân dân có nhiều bức xúc; Quốc lộ 28, một số tuyến mương không được lắp nắp cống, kiến nghị đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp, làm đường đảm bảo cho người dân; Chính sách, kỷ niệm chương cho Công an viên, sẽ làm việc với Công an để tặng, truy tặng cho các đồng chí có cống hiến…
|
Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu, giải trình các ý kiến kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền |
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội biểu dương các cử tri đã có nhiều ý kiến, kiến nghị đóng góp thẳng thắn, xác thực gắn với quyền lợi của người dân, sự phát triển của địa phương; đồng thời, đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải trình cụ thể, thấu đáo những vấn đề cử tri quan tâm trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Những ý kiến, kiến nghị ngoài thẩm quyền cũng được Đoàn ĐBQH ghi nhận tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, giải quyết trong Kỳ họp tới đây.
Ông Lâm Văn Đoan cũng thông tin thêm, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của Lâm Đồng đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ dành 300 tỷ đồng cho tỉnh Lâm Đồng phát triển hạ tầng và phục hồi kinh tế, huyện Di Linh cũng là địa phương nhận nguồn vốn này, đây sẽ là nguồn lực để địa phương phát triển mạnh hơn nữa đời sống kinh tế xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
HOÀNG YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin