Đoàn Thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với huyện Đức Trọng

09:05, 09/05/2022
(LĐ online) - Chiều ngày 9/5, Đoàn Thanh tra của Ban Tôn giáo Chính phủ do bà Nguyễn Thị Định - Vụ trưởng Vụ pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với huyện Đức Trọng về việc thực hiện chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện.
 
 Bà Nguyễn Thị Định - Vụ trưởng Vụ pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ, phát biểu tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Định - Vụ trưởng Vụ pháp chế Ban Tôn giáo Chính phủ, phát biểu tại hội nghị
 
Theo báo cáo của UNND huyện Đức Trọng, trên địa bàn huyện có 56 cơ sở tín ngưỡng, như đền, đình, miếu... có 4 tôn giáo chính, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài, với 91.875 tín đồ, 653 chức sắc, 104 cơ sở thờ tự hợp pháp.
 
Trong những năm qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện diễn ra bình thường, ổn định. Đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo sinh hoạt thuần túy theo Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội, tuân thủ quy định của pháp luật; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là công tác xã hội, từ thiện; tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các hiện tượng tôn giáo cực đoan, đạo lạ, tà đạo được phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra điểm nóng, tình hình phức tạp về tôn giáo. Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý không chỉ cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, mà cho các cơ sở tôn giáo hoạt động thuận lợi, đúng quy định hơn.
 
Bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, phát biểu tại hội nghị
Bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, phát biểu tại hội nghị
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: Một số cơ sở tôn giáo hoạt động từ trước năm 1975 không thực hiện hồ sơ, thủ tục để Nhà nước công nhận đất tôn giáo, vì vậy, khi xây dựng, nâng cấp các hạng mục của công trình trong cơ sở tôn giáo đều không đảm bảo quy định về đất đai, xây dựng. Một số chức sắc, chức việc tuy đã được tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến tôn giáo nhưng chấp hành chưa nghiêm, nhất là việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình tôn giáo. Ngoài ra, hiện tượng nhà ở tư nhân biến tướng thành cơ sở tôn giáo bất hợp pháp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số điểm nhóm Tin Lành tại các xã N’thol Hạ, Đa Quyn, sau khi được cấp phép hoạt động, tự ý xây dựng công trình, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Một số đối tượng ở ngoài địa phương vẫn tìm cách phát tán tài liệu “Pháp Luân công” vào địa bàn, ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước của địa phương.
 
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại diện các phòng, ban chuyên môn của huyện phân tích, đánh giá những mặt đã đạt được; những khó khăn, hạn chế, cũng như đưa ra các giải pháp trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.
 
N.MINH