Phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh khóa X

11:05, 26/05/2022
(LĐ online) - Sáng 26/5, Thường trực HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức phiên họp giải trình về một số vấn đề nóng, nổi cộm liên quan đến rừng, đất rừng, y tế… mà cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm.  
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc phiên chất vấn
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc phiên chất vấn
 
Phiên họp dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành  Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: K’Mák, Tôn Thiện Đồng...
 
Tham dự phiên họp giải trình có đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các  huyện, thành phố trong tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh khóa X, các phòng, ban liên quan cùng dự. 
 
Phiên họp giải trình là một trong ba hình thức giám sát mới đối với Thường trực HĐND các cấp. 
 
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận nhấn mạnh: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 2016 ngày 09/10/2018 và Quyết định số 503 ngày 08/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện quy hoạch 3 loại rừng chưa được như mong muốn, tiến độ thực hiện quy hoạch chậm; việc xác định ranh giới giữa 3 loại rừng và đất nông nghiệp chậm thực hiện dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng; một số quyền lợi của Nhà nước và của người dân chưa được thực hiện đảm bảo; hiện còn khoảng 52.000 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp; một số diện tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp... nhưng chưa được các đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp, cập nhật kịp thời; một số diện tích đất người dân sản xuất nông nghiệp, sinh sống ổn định lâu năm nhưng vẫn quy hoạch là đất lâm nghiệp; dẫn đến việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn; phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp…
 
Trong những năm gần đây, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp nhất định trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế; góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người hành nghề tại các cơ sở y tế công lập được tham gia hành nghề ngoài giờ, các viên chức y tế có thêm thu nhập chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng vi phạm của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đang là vấn đề được xã hội quan tâm; vẫn còn cơ sở không đảm bảo điều kiện theo quy định sau khi đã cấp giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ khám bệnh, giá thuốc mỗi nơi bán một giá khác nhau, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc gây tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. 
 
Từ những lý do trên, Thường trực HĐND tỉnh quyết định lựa chọn 2 nội dung này tại phiên giải trình ngày hôm nay để làm rõ những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước và việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật của các cấp, các ngành; từ đó xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và đưa ra những giải pháp, biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, giải quyết thấu đáo những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian qua.
 
Tại phiên giải trình, các Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi đối với giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Y tế.
 
Bà Dương Thị Ngà - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế nêu yêu cầu giải trình
Bà Dương Thị Ngà - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế nêu yêu cầu giải trình
 
Bà Dương Thị Ngà - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu yêu cầu giải trình: Quyết định số 2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các huyện, thành phố. Theo Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ thì các tỉnh, thành phố phải ban hành quy định phân cấp trong năm 2018. Tuy nhiên, sau gần 4 năm kể từ khi có Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND các huyện, thành phố. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải trình nguyên nhân của việc chậm trễ này; trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào và thời gian hoàn thành nhiệm vụ này?
 
Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh của UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 503 điều chỉnh Quyết định số 2016. Tuy nhiên, sau khi Quyết định số 503 được ban hành, vẫn tiếp tục phát sinh những vấn đề tương tự khi thực hiện Quyết định số 2016, đó là: Một số vị trí còn rừng nhưng được quy hoạch là đất ngoài lâm nghiệp và ngược lại, một số diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn nằm trong quy hoạch lâm nghiệp. Trước khi Quyết định số 503 được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Văn bản số 303/SNN-KL ngày 11/3/2020 hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, tuy nhiên sau khi Quyết định số 503 được ban hành thì vẫn còn rất nhiều bất cập. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng đó, trách nhiệm chính về cơ quan nào, trách nhiệm thẩm định của Sở trước khi trình UBND tỉnh ban hành đối với vấn đề này và giải pháp để xử lý vấn đề trong thời gian tới?
 
Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn
 
Liên quan đến lĩnh vực Tài Nguyên và Môi trường, ông Cil Ha Drang - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc nêu yêu cầu giải trình: Tại Quyết định số 2016 giao nhiệm vụ Sở Tài nguyên và Môi trường “thực hiện đo đạc, cắm mốc ranh giới, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh”. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nhiệm vụ “thực hiện đo đạc, cắm mốc ranh giới” đến nay đã được thực hiện như thế nào, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiêm vụ và cho biết những giải pháp trong thời gian tới để thực hiện quản lý có hiệu quả?
 
Cũng liên quan đến nhiệm vụ Sở Tài nguyên và Môi trường được giao theo Quyết định số 2016, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, ban hành 20/26 quyết định điều chỉnh phạm vi, ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng cho các đơn vị chủ rừng do Nhà nước quản lý, đến ngày 25/3/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 8 hồ sơ.
 
Đề nghị ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đến nay đã cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bao nhiêu đơn vị chủ rừng? Đối với những đơn vị chủ rừng do Nhà nước quản lý hiện chưa điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tiến độ đến khi nào hoàn thành?
 
Ông Nguyễn Văn Phương - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách nêu yêu cầu giải trình
Ông Nguyễn Văn Phương - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách nêu yêu cầu giải trình
 
Ông Nguyễn Văn Phương - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách nêu yêu cầu giải trình: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Đến thời điểm hiện nay đơn vị tư vấn đã nộp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, điều chỉnh là 20/26 đơn vị chủ rừng nhà nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, được UBND tỉnh phê duyệt 8 hồ sơ”. Đề nghị ông Giám đốc Sở cho biết lý do 12 hồ sơ còn lại chưa được phê duyệt? Đối với 6 đơn vị chủ rừng còn lại chưa được điều chỉnh phạm vi, ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng, Sở đã có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và dự kiến thời gian cụ thể để hoàn thành?
 
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình các nội dung thuộc thẩm quyền
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình các nội dung thuộc thẩm quyền
 
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình các vấn đề chất vấn thuộc thẩm quyền: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trong quá trình thực hiện xây dựng điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương, các đơn vị quản lý rừng chưa thật sự chặt chẽ. Giữa quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 và quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 cục bộ có những vị trí quy hoạch chưa thống nhất, chưa đồng bộ. 
 
Mặt khác, theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì những khu vực nào còn rừng tự nhiên phải tiến hành rà soát, đưa lại vào đất lâm nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện các địa phương, đơn vị chủ rừng đã có kiến nghị đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế.
 
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn
 
Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần chỉ đạo rà soát, xác định rõ về vị trí, diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo trùng khớp giữa bản đồ và thực địa để phục vụ công tác quản lý, sử dụng; xây dựng phương án quản lý diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng; phân định rõ diện tích đất người dân đang sản xuất, diện tích đất chưa sử dụng, diện tích đã cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân; thực hiện đồng thời việc cắm mốc và đo đạc, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo kế hoạch và nhu cầu hàng năm; trong đó lưu ý đất có nguồn gốc do phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hoặc mới vi phạm (kể cả trường hợp vi phạm nhưng chưa xác định đối tượng vi phạm) thì không đưa ra ngoài lâm nghiệp. UBND cấp xã phối hợp với đơn vị chủ rừng tuyên truyền và yêu cầu các hộ dân có diện tích đang sản xuất nông nghiệp giáp ranh, liền kề với diện tích đất lâm nghiệp, diện tích rừng ký cam kết không lấn chiếm đất, phá rừng. 
 
Phóng viên Báo Lâm Lâm Đồng tiếp tục thông tin diễn biến phiên giải trình trong ngày hôm nay.
 
NGUYỆT THU