Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt, triển khai các nội dung, giải pháp để tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với tổ chức, hoạt động của các Hội quần chúng. Từ đó, tạo điều kiện cho các Hội quần chúng phát huy tinh thần chủ động, hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
|
Hội Chữ thập đỏ tỉnh là một trong những Hội quần chúng hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn |
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 676 Hội quần chúng, trong đó có 62 Hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh, 139 Hội có phạm vi hoạt động cấp huyện và Hội có phạm vi hoạt động cấp xã là 475 Hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động các Hội quần chúng trên địa bàn.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ các tổ chức Hội quần chúng hoạt động hiệu quả; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Hội, gắn hoạt động của hội với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đó, các tổ chức Hội quần chúng đã không ngừng phát triển về số lượng, đa dạng hình thức tổ chức và hoạt động, thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy; tích cực tổ chức phong trào thi đua, cuộc vận động thu hút đông đảo hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia. Trong quá trình hoạt động, Hội quần chúng luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội; đẩy mạnh hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, tham gia hoạt động văn hóa - xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy đảng, chính quyền, các Hội quần chúng trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình của cán bộ, hội viên, tổ chức Hội và tình hình thực tế của địa phương. Hoạt động của Hội thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước; hướng hoạt động về cơ sở, lấy cán bộ, hội viên làm nòng cốt; thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên để tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đa dạng hóa các phương thức đoàn kết tập hợp hội viên; thường xuyên nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động của hội. Các tổ chức hội nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về công tác hội trong quá trình hoạt động, duy trì sinh hoạt theo định kỳ, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tổ chức các chương trình kỷ niệm ngày truyền thống của hội với nhiều hoạt động tiêu biểu thu hút đông đảo hội viên, quần chúng Nhân dân tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa nhằm hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho hội viên; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của hội viên, trên tinh thần tự nguyện, tự giác; dân chủ, bình đẳng, công khai nhằm tập hợp hội viên để phát triển nghề nghiệp góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong hoạt động của mình, các Hội quần chúng trên địa bàn Lâm Đồng đã tham gia vận động, tuyên truyền hội viên và Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của địa phương, đất nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hoạt động của Hội quần chúng cũng đã phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp hội viên trên các lĩnh vực công tác xã hội, xã hội từ thiện; giúp nhau trong đời sống, sản xuất, giảm nghèo; dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; chăm sóc sức khỏe Nhân dân; khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư; phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các Hội quần chúng quan tâm, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như sự phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ của MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, nên hiệu quả, chất lượng tổ chức, hoạt động các Hội quần chúng ngày càng được nâng cao, vị trí, vai trò của các tổ chức Hội ngày càng được củng cố, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai các nội dung để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền về Hội quần chúng; đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của MTTQ, các đoàn thể, sở, ban, ngành liên quan trong công tác phối hợp với Hội quần chúng để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức hội; nâng cao vai trò đoàn kết, tập hợp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; thực hiện tốt nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.
DUY DANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin