Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Lâm Đồng

01:05, 09/05/2022
(LĐ online) - Sáng 9/5, tại UBND tỉnh, Thanh tra Ban Tôn giáo Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra chuyên ngành tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Toàn cảnh buổi làm việc của Thanh tra Ban tôn giáo Chính phủ tại UBND tỉnh
Toàn cảnh buổi làm việc của Thanh tra Ban tôn giáo Chính phủ tại UBND tỉnh
 
Đoàn thanh tra gồm đồng chí Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ làm trưởng đoàn, cùng các đồng chí là Vụ trưởng, phó Vụ trưởng, chuyên viên các ban chuyên môn. Về phía tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Đặng Trí Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và lãnh đạo các địa phương.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Đoàn thanh tra Ban Tôn giáo Chính phủ công bố Quyết định thanh tra số 515 ban hành ngày 27/4/2022 của Ban Tôn giáo Chính phủ về thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn năm 2019 - 2021. Thời gian thanh tra từ ngày 9/5 đến hết ngày 13/5.
 
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Các đồng chí chủ trì hội nghị
 
Các đại biểu Đoàn thanh tra và của tỉnh cũng đã trao đổi, giải trình, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến những kết quả đã thực hiện, những tồn tại, hạn chế đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp giúp cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Lâm Đồng được triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
 
Hiện nay, Lâm Đồng có 278 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 158 cơ sở đã bầu ban quản lý hoặc người đại diện, đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định và 120 cơ sở của tư gia, có 10 cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Các hoạt động tín ngưỡng thuần túy diễn ra ổn định, chấp hành đúng của pháp luật, đảm bảo phù hợp thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. Bên cạnh đó, còn có hoạt động hầu đồng, diễn xướng, bói toán, đốt vàng mã tập trung đông người vẫn diễn ra ở một số cơ sở chưa được Nhà nước cho phép hoạt động, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. 
 
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng tại buổi làm việc
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng tại buổi làm việc
 
Toàn tỉnh có 07 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận là: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Ba Ha’i, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo, Phật giáo Hòa Hảo với khoảng 797.000 tín đồ, 1779 chức sắc, 3.740 chức việc, 564 cơ sở tôn giáo hợp pháp (trong đó, có 409 cơ sở tôn giáo đã được cấp giấy CNQSD đất và 155 cơ sở tôn giáo chưa được cấp giấy CNQSD đất), 02 cơ sở đào tạo tôn giáo. 
 
Thời gian qua, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, chức sắc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và Trung ương Giáo hội, tạm dừng tổ chức các hoạt động tôn giáo, chung tay phòng, chống dịch; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... 
 
Ông Ngô Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh
Ông Ngô Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh
 
Từ năm 2019 đến năm 2021, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng không ban hành văn bản QPPL liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.  
 
Các ngành, địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp tham mưu cho UBND các cấp giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, hợp pháp, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
 
Bà Nguyễn Thị Định - Vụ phó Vụ Pháp chế - thanh tra phát biểu góp ý một số điều trong báo cáo của tỉnh về thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Bà Nguyễn Thị Định - Vụ phó Vụ Pháp chế - thanh tra phát biểu góp ý một số điều trong báo cáo của tỉnh về thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
 
Theo đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đạt được kết quả khả quan, tình hình hoạt động của các tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp: ổn định; tình trạng sinh hoạt tôn giáo trái phép, khiếu nại, khiếu kiện giảm; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp với tổ chức, chức sắc tôn giáo ngày càng gần gũi, gắn bó mật thiết; phát huy được vai trò, vị trí của chức sắc, tổ chức tôn giáo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 
 
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại hạn chế như sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc thiếu đồng bộ, còn chậm trễ. Một số ngành, địa phương khi được giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo thiếu quyết liệt, để kéo dài; một bộ phận cán bộ chủ chốt ở các ngành, địa phương còn ngại và chạm, tiếp xúc với chức sắc,  tín đồ thậm chí né tránh trách nhiệm; chưa kịp thời phát hiện, xử lý, còn bao che hoặc chậm báo cáo cấp trên theo quy định để được phối hợp hoặc cho ý kiến chỉ đạo xử lý, giải quyết; công tác quản lý về trật tự xây dựng còn buông lỏng, chưa được quan tâm đúng mức. Một số chức sắc, chức việc, người thi hành chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu Luật và Nghị định số 162; lợi dụng sự thông thoáng, cởi mở của pháp luật để tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật; sang nhượng đất đai, xây dựng cơ sở tôn giáo trái phép... 
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Trọng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của tỉnh đối với công tác tôn giáo; qua đó, đã đem lại nhiều kết quả tích cực; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ổn định, đúng quy định, không để xảy ra các điểm nóng về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời nhấn mạnh, mục đích của việc thanh tra nhằm đánh giá những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của bộ máy quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để từ đó tìm ra các nguyên nhân, phát hiện các bất cập, vướng mắc để Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hiện nay.
 
HỒNG THẮM